Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử; Bộ TT&TT lùi thời hạn tắt sóng 2G... là những thông tin công nghệ nổi bật trong tuần.
Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử
Liên Hợp Quốc vừa phát hành báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử 2024, phác họa toàn cảnh công cuộc theo đuổi chính phủ số của các nước trên khắp thế giới.
Châu Âu tiếp tục dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử, tiếp theo là châu Á, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi, dựa trên Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử (EGDI) của Liên Hợp Quốc. Dù tất cả các khu vực đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, tốc độ phát triển không đồng đều và tồn tại chênh lệch giữa các khu vực.
Đan Mạch, Estonia, Singapore, Hàn Quốc và Iceland dẫn đầu danh sách 20 quốc gia sở hữu dịch vụ công kỹ thuật số trưởng thành nhất, dựa theo xếp hạng EGDI.
Năm nay, sau hai kỳ đánh giá giữ nguyên thứ hạng 86/193 vào năm 2020 và 2022, với 0,7709 điểm, Việt Nam được xếp vào nhóm “EGDI rất cao” và đứng thứ 71/193, tăng 15 bậc.
Việt Nam xếp 71/193 quốc gia về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc. Ảnh chụp màn hình.Các tiêu chí như OSI (chỉ số dịch vụ công trực tuyến), TII (chỉ số hạ tầng viễn thông), HCI (chỉ số nguồn nhân lực), EPI (chỉ số tham gia kỹ thuật số) đều có tiến bộ so với hai năm trước.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022.
Liên Hợp Quốc nhận xét, việc các nước như Việt Nam được thăng hạng từ nhóm EGDI cao lên rất cao phản ánh thành công trong củng cố hạ tầng số, mở rộng kết nối Internet, áp dụng các khung Chính phủ điện tử mạnh mẽ. Đầu tư đáng kể của Việt Nam vào dịch vụ công trực tuyến được phản ánh trong thứ hạng mới.
Bộ TT&TT lùi thời hạn tắt sóng 2G
Ngày 13/9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT về việc “Ngưng hiệu lực thi hành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 04/2024/TT- BTTTT” (Về việc dừng cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM trong thời hạn 1 tháng (từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 15/10/2024)).
Lý do tạm ngưng tắt sóng 2G theo Thông tư số 10 là để đảm bảo nhu cầu thông tin trong thời gian cần thiết, đủ để doanh nghiệp và người dân kịp thời khắc phục thiệt hại cơn bão số 3.
Đây là cơn bão lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà mạng và ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của khách hàng.
Lý do tạm ngưng tắt sóng 2G là để đảm bảo nhu cầu thông tin trong thời gian cần thiết, đủ để doanh nghiệp và người dân kịp thời khắc phục thiệt hại cơn bão số 3. Ảnh: TKÔng Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện nay, các nhà mạng di động đang hết sức nỗ lực để chuyển đổi thuê bao 2G Only. Đến ngày 8/9/2024, số thuê bao của các nhà mạng còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G Only. So với tháng 7/2024, trong vòng hơn 1 tháng, số thuê bao 2G Only giảm hơn 5,3 triệu thuê bao. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự nghiêm túc của các doanh nghiệp di động, để thực hiện kế hoạch dừng công nghệ 2G.
Liên tiếp xuất hiện chiến dịch tấn công APT nhắm vào Việt Nam
Từ tháng 8 cho đến nay, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã liên tục phát hiện và có cảnh báo về các chiến dịch tấn công có chủ đích - APT nhắm vào tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, đơn vị đã ghi nhận thông tin liên quan đến các chiến dịch tấn công mạng có chủ đích sử dụng những mã độc phức tạp, kỹ thuật tấn công tinh vi để xâm nhập vào hệ thống thông tin quan trọng của tổ chức, doanh nghiệp, với mục tiêu chính là tấn công mạng, đánh cắp thông tin và phá hoại hệ thống.
Tại cảnh báo ngày 11/9 gửi đơn vị chuyên trách CNTT, an toàn thông tin cả nước, Cục An toàn thông tin đã thông tin chi tiết về các chiến dịch tấn công APT của 3 nhóm tấn công Mallox Ransomware, Lazarus và Stately Taurus (còn gọi là Mustang Panda).
Sự cố tấn công có chủ đích, dùng mã độc mã hóa dữ liệu vào hệ thống của VNDIRECT hồi đầu năm nay là bài học lớn với các đơn vị tại Việt Nam về đảm bảo an toàn thông tin. Ảnh: D.VCụ thể, cùng với việc tổng hợp, phân tích các hành vi tấn công của các nhóm tấn công trong 3 chiến dịch tấn công có chủ đích nhắm vào các hệ thống thông tin quan trọng gồm: Chiến dịch tấn công liên quan đến mã độc Mallox ransomware, chiến dịch của nhóm Lazarus sử dụng ứng dụng Windows giả mạo nền tảng họp video để phát tán nhiều chủng mã độc và chiến dịch của nhóm Stately Taurus khai thác VSCode để tấn công nhằm vào các tổ chức tại châu Á, Cục An toàn thông tin cũng đã đưa ra các chỉ báo tấn công mạng - IoC để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc có thể rà soát và phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mạng.
Ngay trước đó, trong tháng 8/2024, Cục An toàn thông tin cũng đã liên tục phát cảnh báo về những chiến dịch tấn công có chủ đích nguy hiểm khác như: Chiến dịch sử dụng kỹ thuật ‘AppDomainManager Injection’ để phát tán mã độc, được nhận định liên quan đến nhóm APT 41 và đã ảnh hưởng đến các tổ chức ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam; chiến dịch tấn công mạng do nhóm APT StormBamboo thực hiện, nhằm vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng Internet, với mục đích triển khai phần mềm độc hại trên các hệ thống macOS và Windows của người dùng để qua đó chiếm quyền kiểm soát và đánh cắp thông tin quan trọng; chiến dịch tấn công mạng được thực hiện bởi nhóm tấn công APT MirrorFace, với ‘đích ngắm’ là các tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và nhà sản xuất...
Trong các cảnh báo về những chiến dịch tấn công có chủ đích APT, Cục An toàn thông tin đều đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin đang sử dụng có khả năng bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tấn công. Đồng thời, chủ động theo dõi các thông tin liên quan đến đến các chiến dịch tấn công mạng nhằm thực hiện ngăn chặn sớm, tránh nguy cơ bị tấn công.
Việt Nam trong nhóm top 1 an toàn thông tin toàn cầu
Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vừa công bố Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) 2024. Báo cáo chỉ ra các quốc gia trên thế giới đang tăng cường nỗ lực an ninh mạng nhưng cần có các hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với những nguy cơ ngày càng tăng.
GCI 2024 đánh giá các nỗ lực của các nước dựa trên 5 tiêu chí, thể hiện các cam kết an ninh mạng cấp quốc gia: pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, phát triển năng lực và hợp tác. ITU cũng thay đổi cách thức đánh giá nhằm tập trung tốt hơn vào sự tiến bộ của mỗi nước trong các cam kết bảo mật và tác động của nó.
Các nước được xếp thành 5 nhóm, trong đó nhóm 1 là nhóm cao nhất, gồm 46 nước, đóng vai trò “làm gương”. ITU đánh giá các nước nhóm 1 đều có sự tiến bộ đáng kể so với phiên bản GCI gần nhất vào năm 2021.
Việt Nam nằm trong nhóm 1 với tổng điểm 99,74, trong đó bốn tiêu chí đạt tối đa 20 điểm là biện pháp pháp lý, biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và biện pháp phối hợp. Tiêu chí phát triển năng lực đạt 19,74 điểm.
Việt Nam là 1 trong 46 quốc gia được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của ITU. Ảnh: ITUTheo Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin, xây dựng niềm tin trong thế giới số là tối quan trọng. Bà đánh giá sự tiến bộ trong GCI 2024 là dấu hiệu cho thấy chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để bảo đảm tất cả mọi người ở bất kỳ đâu có thể quản trị các nguy cơ bảo mật trong thế giới kỹ thuật số ngày một phức tạp.
GCI được ITU công bố lần đầu vào năm 2015, nhằm hỗ trợ các quốc gia xác định các lĩnh vực cần cải thiện và khuyến khích các nước hành động để phát triển năng lực trong mỗi tiêu chí. GCI không ngừng thay đổi để thích ứng với các rủi ro, ưu tiên và nguồn lực liên tục biến đổi, cung cấp bức tranh toàn diện nhất về các biện pháp an ninh mạng của mỗi nước.
Hạ tầng viễn thông đóng góp lớn giúp Việt Nam tăng 15 bậc về Chính phủ điện tửNỗ lực ở cả 3 trụ cột hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực, dịch vụ công trực tuyến đã giúp Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử. Trong đó, thành công về củng cố hạ tầng viễn thông có đóng góp lớn hơn cả.
Đăng thảo luận