Volkswagen mất vị thế tại châu Âu, kế hoạch đóng cửa nhà máy sau 87 năm  第1张 Tập đoàn Volkswagen có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Đức. Ảnh: Agence France Presse

Đại diện công đoàn Volkswagen tại Đức, bà Daniela Cavallo, đã thông báo với các công nhân tại nhà máy chính của Volkswagen ở Wolfsburg rằng các đề xuất đóng cửa nhà máy nằm trong kế hoạch mà ban quản lý đã trình bày với hội đồng quản trị.

Công ty "muốn đóng ít nhất ba nhà máy, giảm quy mô tất cả các nhà máy còn lại, bán bớt các thiết bị và ngoài ra còn giảm lương của các nhân viên," bà Cavallo cho biết.

Volkswagen cũng đang xem xét cắt giảm lực lượng lao động tại các nhà máy hoạt động ở Đức, bà Cavallo nói thêm, "Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ thêm nhiều sản phẩm, sản lượng và toàn bộ dây chuyền lắp ráp vượt xa so với những gì chúng ta đã làm trước đây."

Volkswagen là thương hiệu xe hơi hàng đầu của Tập đoàn Volkswagen, bao gồm cả Audi và Porsche. Không có công ty nào ở Đức có tầm quan trọng tương đương như Volkswagen. Lịch sử của hãng này gắn liền với sức mạnh kinh tế và công nghiệp của Đức thời hậu Thế chiến thứ hai, và các nền kinh tế địa phương của nhiều vùng trên toàn quốc phụ thuộc vào Volkswagen và lực lượng lao động được trả lương cao của công ty.

Volkswagen từ chối bình luận về chi tiết của kế hoạch, chỉ cho biết sẽ làm điều đó sau khi công ty và đại diện người lao động đạt được đồng thuận. Trong một tuyên bố, các lãnh đạo quản lý cho biết do nhu cầu giảm và cạnh tranh gia tăng, chi phí lao động tại Đức vẫn quá cao và các cơ cấu hiện tại cần phải thay đổi.

"Nếu không có các biện pháp toàn diện để lấy lại sức cạnh tranh, chúng tôi sẽ không thể đủ khả năng đầu tư lớn cho tương lai," Gunnar Kilian, thành viên hội đồng quản trị, cho biết trong một tuyên bố.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng "các quyết định quản lý sai lầm" có thể là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của Volkswagen và nhấn mạnh rằng người lao động không nên là bên phải gánh chịu hậu quả.

"Hiện nay mục tiêu là duy trì và bảo vệ việc làm," người phát ngôn Wolfgang Buchner nói trong một cuộc họp báo Chính phủ.

Thủ tướng Scholz đang chịu áp lực để vực dậy nền kinh tế Đức trong bối cảnh tăng trưởng suy giảm và sản lượng công nghiệp giảm sút.

Đức là quốc gia duy nhất trong nhóm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ trì trệ trong năm nay. Chính phủ Đức cho biết tháng này họ dự kiến kinh tế sẽ suy giảm 0,2% vào năm 2024, giảm so với dự báo tăng trưởng 0,3% trước đó.