Vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn tưởng chừng đơn giản nhưng trải qua 4 cấp tòa, 3 bản án, 2 quyết định giám đốc thẩm, người vợ mới tìm được công lý trên… giấy.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (64 tuổi) đứng trước nhà đất địa chỉ số 83 và 85 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa - Ảnh: TẤN LỰC
Bởi khi bản án cuối cùng về vụ ly hôn có hiệu lực, tài sản chung đã bị người chồng chuyển nhượng cho cháu trai theo bản án phúc thẩm bị kháng nghị.
Nhà đất chung nhưng tòa xác định tài sản riêng
30 năm chung sống, có với nhau 3 mặt con, năm 2015 vợ chồng ông Lâm Minh Chánh và bà Nguyễn Thị Thanh Hà (trú TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) phải ra Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa ly hôn vì cuộc sống không êm ấm.
Mẹ tranh chấp tài sản với con gái và chồng khi ly hônĐỌC NGAY
Trong thời gian chung sống trước đó, họ tạo lập được tài sản chung là 4 nhà đất tại TP Tuy Hòa.
Tòa sơ thẩm chia ông Chánh được sở hữu 2 nhà đất mặt tiền vị trí đắc địa là nhà 83 và 85 Nguyễn Huệ.
Còn bà Hà được chia 2 căn nhà xập xệ trong hẻm nhỏ 99B/11 Lê Lợi và khu phố Chu Văn An.
Tòa tuyên người chồng có trách nhiệm bù cho vợ giá trị chênh lệch của hai khối tài sản là 5,28 tỉ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân TP Tuy Hòa kháng nghị phúc thẩm vì nhận định nhà đất 85 Nguyễn Huệ là tài sản chung nhưng chia cho bà Hà 1/4 là ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Nhưng khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh Phú Yên lại nhận định nhà đất này là tài sản riêng của ông Chánh do cha mẹ để lại nên tuyên giao nhà đất này cho ông Chánh.
Bản án lại bị Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm.
Sau đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định giám đốc thẩm, tiếp tục giao cho ông Chánh nhà đất 83 và 85 Nguyễn Huệ, chỉ thêm tình tiết là ghi nhận việc ông Chánh tự nguyện hỗ trợ cho bà Hà 500 triệu đồng.
Bản án bị kháng nghị nhưng vẫn thi hành?
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu bất thường, Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và TAND tối cao kháng nghị bản án.
Theo quan điểm của Ban Nội chính, việc ông Chánh lập đơn đề nghị cấp mới giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất 85 Nguyễn Huệ và được cấp giấy chứng nhận ghi tên cả hai vợ chồng đã thể hiện việc ông tự nguyện đưa tài sản riêng vào khối tài sản chung.
Do đó, tòa phúc thẩm, tòa giám đốc thẩm xác định tài sản này là tài sản riêng là có sai lầm nghiêm trọng.
Sau ly hôn, bà Hà được tòa chia căn nhà trong kiệt tại khu phố Chu Văn An (ảnh) và một căn nhà hư hỏng tại hẻm 99B/11 Lê Lợi, TP Tuy Hòa - Ảnh: TẤN LỰC
Sau đó, TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy cả quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên, yêu cầu tòa tỉnh xét xử phúc thẩm trở lại phần phân chia tài sản.
Tại phiên phúc thẩm lần 2, TAND tỉnh Phú Yên tuyên đây là tài sản chung, cả hai được chia đều giá trị căn nhà trên đất 85 Nguyễn Huệ, còn giá trị phần đất được chia cho ông Chánh và bà Hà tỉ lệ 6/4.
Tòa giao ông Chánh quyền sở hữu nhà đất 83 và 85 Nguyễn Huệ, giao bà Hà sở hữu nhà đất 99B/11 Lê Lợi và nhà đất tại khu phố Chu Văn An.
Ông Chánh phải trả cho bà Hà tổng số tiền 17,6 tỉ đồng chênh lệch giá trị tài sản và các khoản khác.
Đến đây vụ án tưởng chừng ngã ngũ thì xuất hiện tình tiết mới làm bản án có nguy cơ không thể thi hành.
Đó là ông Chánh đã "nhanh tay" làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nội dung bản án phúc thẩm lần 1 từ của hai vợ chồng sang sở hữu riêng ông.
Ngay sau đó, ông chuyển nhượng nhà đất 85 Nguyễn Huệ cho cháu trai dù bản án phúc thẩm đã bị kháng nghị giám đốc thẩm.
Đến nay cơ quan thi hành án xác định ông Chánh còn nghĩa vụ phải trả cho bà Hà hơn 9,8 tỉ đồng nhưng không thể kê biên tài sản để thi hành án vì nhà đất đã chuyển nhượng cho người cháu.
Đại diện Chi cục Thi hành án dân sự TP Tuy Hòa cho biết do khó khăn trong thi hành án, cơ quan này đã 2 lần gửi công văn đề nghị TAND tỉnh Phú Yên giải thích bản án, xác định nhà đất 85 Nguyễn Huệ thuộc quyền sở hữu của ai, nhưng không được phản hồi.
Trong khi đó, bà Hà cho rằng ông Chánh tẩu tán tài sản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của bà.
Vì vậy bà đã khởi kiện yêu cầu hủy việc biến động tài sản để đảm bảo thi hành án.
Theo bà Hà, tại thời điểm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cấp sổ đỏ lô đất cho ông Chánh thì bản án phúc thẩm lần 1 đã bị viện kiểm sát kháng nghị, yêu cầu tạm đình chỉ việc chia tài sản chung, nhưng các cơ quan chức năng vẫn thực hiện việc biến động dẫn tới tài sản bị tẩu tán là trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bà.
Định giá 40,7 tỉ đồng, chuyển nhượng chỉ 6,5 tỉ
Trong quá trình giải quyết vụ án, việc định giá tài sản nhà đất 85 Nguyễn Huệ có nhiều điểm đáng chú ý. Cụ thể, tòa án cấp sơ thẩm định giá theo đơn giá đất của UBND tỉnh Phú Yên nhưng phần kết luận ghi giá thị trường của lô đất là 12 tỉ đồng.
Tại phiên phúc thẩm lần 1, bà Hà yêu cầu định giá lại tài sản, hội đồng định giá xác định giá thị trường lô đất là 38,5 tỉ đồng, tăng hơn 3 lần so với định giá trước đó.
Đến phiên phúc thẩm lần 2 tháng 4-2024, cả bà Hà và ông Chánh đồng ý giá trị lô đất này là 40,7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Chánh chuyển nhượng nhà đất này cho người cháu chỉ 6,5 tỉ đồng.
Đăng thảo luận