Việc phải chịu áp lực đồng trang lứa ở mức độ cao có thể gây lo lắng, căng thẳng và cảm giác bất mãn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, thể chất.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos.

Định nghĩa

Áp lực đồng trang lứa là hiện tượng xảy ra khi cá nhân chịu ảnh hưởng bởi những người thuộc cùng một nhóm xã hội (cùng tuổi, cùng lớp hay đồng nghiệp...), từ đó phải thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi của họ để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Hiện tượng này ngày càng trở nên rõ rệt, đặc biệt trong các thế hệ trẻ như Gen Z, nơi mà áp lực xã hội có thể khiến họ cảm thấy không đủ hoặc kém cỏi hơn so với bạn bè.

Nguyên nhân

- Sự ảnh hưởng của mạng xã hội: Khi các nền tảng này thường thúc đẩy sự so sánh bản thân với người khác và tạo ra cảm giác cần phải tuân theo các tiêu chuẩn "nào đó".

- Kỳ vọng từ gia đình: Đây nguyên nhân ẩn sâu thường được tìm thấy, khi giới trẻ hoặc người lớn cảm thấy cần phải đạt thành tích, kỳ vọng để đáp ứng mong đợi từ gia đình hoặc nhận được tình yêu thương, sự ghi nhận.

- Ảnh hưởng nhóm: Trong độ tuổi vị thành niên, ảnh hưởng từ nhóm bạn có thể làm tăng áp lực khi các cá nhân cố gắng "ép mình" phù hợp với hành vi và sở thích chung của nhóm để được chấp nhận.

- Sự thiếu tự tin, chưa chắc chắn ở hình ảnh bản thân và khát khao được ghi nhận khiến giới trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bạn bè, xã hội.

Trường hợp nào dễ gặp áp lực?

- Áp lực đồng trang lứa thường gặp ở những trường hợp khi giới trẻ phải đối mặt với sự kỳ vọng từ nhóm bạn, gia đình và xã hội. Trong môi trường học đường, học sinh có thể cảm thấy áp lực phải đạt thành tích học tập cao hoặc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa để được chấp nhận trong nhóm bạn.

- Áp lực này cũng rõ rệt trong các tình huống xã hội như khi tham gia các xu hướng hoặc trào lưu mới, nhằm không bị lạc lõng và giữ được sự kết nối với nhóm. Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng khi tạo ra sự so sánh với bạn bè và người nổi tiếng, làm gia tăng cảm giác cần phải phù hợp với các tiêu chuẩn.

- Bên cạnh đó, quá trình xây dựng căn tính và hình ảnh về bản thân chưa được hoàn thiện có thể góp phần vào sự không chắc chắn với những giá trị bản thân đang có, từ đó nhận về nhiều hơn những áp lực từ người khác và gia đình.

- Ngoài ra, những cá nhân từng có khó khăn tâm lý như bị bạo hành, lạm dụng, thiếu thốn kết nối gia đình hay đang có những rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm có thể gia tăng cảm giác tự ti, tự so sánh và gia tăng cảm giác áp lực đồng trang lứa.

Áp lực đồng trang lứa tàn phá sức khỏe thế nào  第1张

Nhiều trường hợp bị áp lực đồng trang lứa dẫn đến luôn nỗ lực học tập, làm việc, cố gắng phấn đấu dẫn đầu dù bản thân không thực sự muốn, để cảm nhận giá trị bản thân và được ghi nhận trong tập thể. Ảnh minh hoạ: Thành Nguyễn

Biểu hiện

Người bị áp lực đồng trang lứa thường có các biểu hiện rõ rệt về hành vi, cảm xúc và nhận thức.

- Họ có thể có hành vi thu rút, suy giảm tương tác với bạn cùng lứa hoặc thay đổi thói quen, sở thích và cố tham gia các hoạt động mà trước đó họ không quan tâm để phù hợp với nhóm bạn.

- Thường lo âu, căng thẳng, cảm giác không hài lòng với bản thân khi phải so sánh giá trị bản thân với người khác, hay đánh đổi những giá trị cá nhân để được chấp nhận.

- Cảm thấy bị áp lực phải duy trì hình ảnh hoặc tiêu chuẩn mà nhóm bạn đề ra, và có thể tin rằng việc không tuân theo các yêu cầu này sẽ dẫn đến việc bị loại bỏ hoặc không được chấp nhận.

- Luôn nỗ lực học tập, làm việc, cố gắng phấn đấu dẫn đầu dù bản thân không thực sự muốn, để cảm nhận giá trị bản thân và được ghi nhận trong tập thể.

Áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng sức khỏe thế nào

Việc phải chịu áp lực đồng trang lứa ở mức độ cao có thể gây ra lo lắng, căng thẳng và cảm giác không hài lòng với bản thân, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Điều này có thể dẫn đến giảm khả năng tập trung và hiệu suất ở trường học hoặc công việc.

Sự bất ổn về mặt tâm lý cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất như rối loạn giấc ngủ hoặc các vấn đề về tiêu hóa.

Ngoài ra, áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp có thể làm giảm sự tự tin và khả năng đưa ra quyết định độc lập, ảnh hưởng đến khả năng đạt được các mục tiêu cá nhân. Bên cạnh đó, sự thu rút một mình, suy giảm tương tác xã hội làm giảm khả năng kết nối và các nguồn lực xã hội, từ đó cả sức khỏe, học tập và phối hợp trong công việc đều suy giảm.

Cách vượt qua

Trước tiên, cần phát triển sự tự tin và nhận thức rõ về giá trị và mục tiêu cá nhân. Trong đó, việc thiết lập ranh giới rõ ràng và học cách từ chối các yêu cầu không phù hợp với bản thân là rất quan trọng. Đây là một hành trình dài cần sự nỗ lực và hỗ trợ từ các phương pháp phù hợp và các chuyên gia tâm lý.

Nên xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực với những người hỗ trợ và đồng cảm, giúp giảm bớt sự áp lực từ nhóm bạn.

Học cách quản lý căng thẳng thông qua các phương pháp như thiền, thể dục, hoặc tham gia hoạt động yêu thích có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm lý.

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý nếu cảm thấy áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng nhiều đến bản thân là một lựa chọn phù hợp.

Bên cạnh đó, tự thực hành kỹ năng giao tiếp, tự nhận thức và hiểu rõ giá trị cá nhân sẽ giúp duy trì sự tự tin, giảm ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa.

Mỹ Ý