Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại miền Trung thừa năng lực nhưng thiếu thị trường. Họ muốn được chen chân vào thị trường rộng lớn của TP.HCM.
Cánh đồng trồng tỏi trên đảo Lý Sơn tại tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: PHÚ SINH
Thông tin trên được nhiều doanh nghiệp giãi bày tại buổi sơ kết 1 năm triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ ngày 11-10.
Tỏi Lý Sơn muốn vào siêu thị ở TP.HCM
Tại hội trường lớn Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định sáng 11-10, phần trình bày bằng chất giọng đặc sệt dân đảo Lý Sơn của ông Nguyễn Văn Nhật - giám đốc Công ty Phú Sinh (Quảng Ngãi) - gây nhiều chú ý cho đại biểu.
Các tỉnh duyên hải miền Trung tìm động lực phát triển từ TP.HCM
Từ lâu, củ tỏi nhỏ bé có mùi thơm và độ cay đặc biệt trồng trên đảo núi lửa Lý Sơn đã nổi tiếng trong gian bếp của không ít người dân.
Dù vậy, để nâng cao giá trị, đưa củ tỏi đàng hoàng bước vào siêu thị thì chưa nhiều người làm được.
Với năng lực cung ứng 200 - 500 tấn tỏi/năm, doanh nghiệp này nói đã lo được đầu ra cho ít nhất 20% sản lượng tỏi trên đảo Lý Sơn.
Với khối lượng hàng hóa như vậy, việc bán lẻ qua các kênh truyền thống là bất khả thi. Người nông dân trên đảo sản xuất manh mún, không đủ năng lực cũng như nguồn hàng để tự đưa vào siêu thị.
Ông Nguyễn Văn Nhật cho hay hoạt động kinh doanh khởi sắc từ khi công ty ký kết được đơn hàng 120 tấn/năm với một doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn tại TP.HCM để sản xuất nước mắm tỏi Lý Sơn.
Cùng với đó, công ty đón thêm tin vui khi một hệ thống siêu thị tại TP.HCM đồng ý đưa củ tỏi vào kệ hàng.
Ông Nhật chia sẻ mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp TP.HCM và sức mua lớn của thị trường chục triệu dân này là niềm khao khát của mọi doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong khu vực khi thị trường địa phương không đủ lớn và sức mua còn èo uột.
Theo ông Nhật, đưa được sản phẩm vào thị trường TP.HCM thì "đời lên hương" với các doanh nghiệp.
Siêu thị, hệ thống bán lẻ quan tâm miền Trung
Sản phẩm tỏi Lý Sơn luôn được ưa chuộng - Ảnh: VĂN NHẬT
Một câu chuyện thành công khác là Công ty cổ phần IPP Sachi - doanh nghiệp đi lên từ sản xuất món bánh tráng dừa đặc sản vùng đất Tam Quang, Bình Định. Từ khi hợp tác với WinMart, mỗi tháng kênh bán lẻ này tiêu thụ 5.000 - 7.000 thùng sản phẩm của Sachi.
Ông Nguyễn Hữu Vinh - giám đốc công ty - nói chỉ có đưa được hàng vào các hệ thống phân phối lớn, doanh nghiệp mới có bước nhảy vọt về sản xuất, mới làm ăn lớn.
Ngay tại hội nghị, ngồi cùng bàn với đại diện Bách Hóa Xanh, ông Vinh tranh thủ kết nối và đạt ngay thỏa thuận sơ bộ về việc đưa hàng vào chuỗi bán lẻ này.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cho hay để đưa được hàng vào những mạng lưới trên, sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng và đủ sản lượng, không thể làm lẻ mẻ manh mún. Bù lại, sản phẩm làm ra được tiêu thụ tốt, doanh nghiệp không tốn quá nhiều chi phí vận chuyển, thương mại.
Tại sự kiện ông Trần Thanh Danh - đại diện Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh - nêu mong muốn đưa sản phẩm nông sản nổi bật của từng tỉnh tới các thị trường lớn. Ông Danh nêu ví dụ hàng tháng chuỗi bán lẻ này nhập tới 300 tấn nho và táo của tỉnh Ninh Thuận.
Doanh nghiệp chia sẻ đang có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối tại các tỉnh trong vùng. Trước mắt đề xuất mỗi tỉnh sẽ mở 20 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Đồng thời, đề nghị chính quyền, doanh nghiệp, nông dân các tỉnh liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Cũng trong sự kiện, ban tổ chức thông tin hệ thống bán lẻ Central Retail đã cam kết sẽ đầu tư một số trung tâm thương mại và siêu thị tại các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ.
Đây là minh chứng cho sự thành công của các doanh nghiệp địa phương và TP.HCM khi triển khai thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh trong vùng.
Đăng thảo luận