Bước ra khỏi tháp ngà chuyên môn bằng tầm nhìn của một người phụng sự, hành trình lèo lái con thuyền Vĩnh Đức của bác sĩ Trần Công Ân đã tạo dấu ấn đặc biệt trên đất Quảng Nam
Khi tôi về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thì bác sĩ Trần Công Ân đã có gần 40 năm không chỉ là một bác sĩ mà còn là một lãnh đạo. Quá trình hành nghề không mệt mỏi của ông không chỉ tạo dấu ấn với ngành y tế địa phương mà còn với cá nhân tôi, một người trẻ đang sống và làm việc dưới mái nhà chung Vĩnh Đức.
Lấy y đức làm "kim chỉ nam"
Bác sĩ Trần Công Ân tốt nghiệp Trường Đại học Y Huế năm 1982, chuyên khoa sản, về quê nhà công tác tại Trung tâm Y tế Điện Bàn; sau đó kinh qua chức vụ phó giám đốc, rồi giám đốc trung tâm. Năm 2002, bác sĩ Ân chuyển công tác ra Đà Nẵng làm Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bà mẹ - trẻ em thành phố. Năm 2006 cho đến nay, ông là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.
Vĩnh Đức là bệnh viện tư nhân đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, được thành lập vào năm 2006. Suốt 18 năm qua, con thuyền Vĩnh Đức lúc nào cũng như một cánh buồm no gió, sẵn sàng đón đầu và chấp nhận mọi thử thách. Nhưng con thuyền ấy không chỉ lướt đi bằng những trợ lực bên ngoài. Con thuyền cần một người thuyền trưởng vững tay lái và cần một hướng đi. Qua một hành trình rất dài, bác sĩ Trần Công Ân đã đưa con thuyền Vĩnh Đức trở thành đơn vị y tế tạo được niềm tin trong lòng bệnh nhân thị xã Điện Bàn nói riêng và Quảng Nam nói chung.
Đi lên từ một bác sĩ sản khoa và trở thành một nhà quản lý, bác sĩ Ân lèo lái con thuyền Vĩnh Đức vốn vây quanh nhiều khó khăn và đôi lúc tròng trành bởi sóng to, gió lớn nhưng người thầy thuốc đó vẫn vững tay chèo khi lấy y đức làm kim chỉ nam.
Từ một bệnh viện đa khoa nằm lọt thỏm trong khu dân cư, chỉ sau 2 năm, Vĩnh Đức đã vươn ra một vị trí mới, tọa lạc bề thế trên Quốc lộ 1. Và kể từ đó, những "lần đầu tiên" ở vùng đất Ngũ phụng tề phi đã được lập nên bởi Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Năm 2019, Trung tâm Chẩn đoán kỹ thuật cao ra đời. Người dân Quảng Nam háo hức khi lần đầu những cái tên tưởng chừng rất xa lạ đã có mặt ngay trên dải đất một nắng hai sương này. Không cần bay sang Singapore hay Mỹ, người dân vẫn có thể sử dụng các dịch vụ chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) đẳng cấp thế giới với giá chỉ khoảng 1/10.
Mọi thông tin và hình ảnh của bệnh nhân đều được số hóa và lưu trữ bảo mật an toàn, thuận lợi trong việc tra cứu, hội chẩn và giảm thiểu rác thải nhựa từ bao, phim ảnh.
Hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT 512 lát cắt, dùng tầm soát chuyên sâu các bệnh tim mạch - dòng máy hiện đại của hãng GE HealthCare (Mỹ). Thời điểm đó, đây là hệ thống đầu tiên ở Việt Nam và thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Bác sĩ Trần Công Ân (bìa trái) cùng ê-kíp thực hiện chương trình “Trái tim Vĩnh Đức” - tầm soát miễn phí bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Đứng mũi chịu sào
Đầu tư công nghệ hiện đại của ngành y trên một vùng nông thôn là nước đi khó và liều lĩnh mà bác sĩ Trần Công Ân nhận nhiệm vụ dẫn đường.
Thời điểm ấy, tôi còn công tác tại Báo Công an TP Đà Nẵng, tiếp cận những thông tin về khu chẩn đoán kỹ thuật cao của Bệnh viện Vĩnh Đức bằng tâm thế của một người quan sát. Cho đến khi có điều kiện nắm bắt nhiều thông tin về Vĩnh Đức, tôi mới hiểu được để những thiết bị công nghệ y khoa hiện đại ấy có thể về xứ Quảng là nhờ nỗ lực của nhiều người mà bác sĩ Ân là người đứng mũi chịu sào.
Cân bằng giữa chuyên môn và dịch vụ, tìm giải pháp tốt nhất cho người bệnh mà vẫn bảo đảm sự phát triển kinh doanh là bài toán khó mà đáp án là một chuỗi phương trình nối tiếp nhau, càng đi sâu càng phát hiện vấn đề, càng đi sâu càng rối rắm. Nhưng chính trong những thời khắc mong manh của việc nói và làm, của suy nghĩ và hành động, hẳn nhiều người đã học được từ bác Ân một cách làm, một tâm thế sống: Hãy cứ bắt tay vào việc từ những điều nhỏ nhất, rồi con đường sẽ tự mở ra.
Hiểu được tâm ý của bác, trong suốt 2 năm làm việc tại bệnh viện này, tôi đã luôn để mình phát triển song song giữa nói và làm. Giữa quyền lợi của bệnh nhân và quyền lợi của bệnh viện, của quyền lợi đối tác và quyền lợi khách hàng. Trong các cuộc thương thảo căng thẳng hay những lúc bên bờ vực của sự thất bại, tôi vẫn giữ cho mình tâm thế của một người trải nghiệm, để lắng nghe, quan sát và để đi đến cùng của vấn đề.
Đồng hành với bác sĩ Trần Công Ân, tôi lại càng hiểu sâu sắc hơn những khó khăn của việc làm y tế trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động. Từ đại dịch COVID-19, kinh tế khó khăn, người dân mất việc làm..., tất cả những điều đó đều góp phần làm nên y tế và định hướng y tế.
Học cách khiêm tốn
Nhưng vai trò của người lãnh đạo không chỉ ở vị trí ra quyết định mà còn tham gia vào từng công đoạn của quy trình. Ở đó, những vui buồn, khó khăn của cán bộ, nhân viên, y - bác sĩ bệnh viện đều trở thành những nỗi lo toan khiến bác sĩ Trần Công Ân trăn trở.
Từ sau Trung tâm Chẩn đoán kỹ thuật cao, liên tiếp những đơn vị mới ra đời ở Vĩnh Đức để vươn cánh tay nối dài đến cộng đồng. Và trách nhiệm của tôi lúc này là mang những suy nghĩ, định hướng, chiến lược của tập thể ban giám đốc bệnh viện hiện thực hóa. Để làm được điều đó không hề dễ dàng vì mỗi chuyên khoa lại khác nhau, mỗi tính cách con người lại thêm phần khác biệt. Và để nhập cuộc trơn tru, lúc này tôi lại may mắn học được từ bác sĩ Ân những "chiêu thức" cho công việc như: "Sức mạnh của tập thể là văn bản", "Cứ khiêm tốn, rồi người khác sẽ chỉ cho con những điều con cần".
Mỗi khi triển khai một dự án mới, bác sĩ Ân luôn dặn chúng tôi hãy phối hợp và lắng nghe nhau, chỉ khi làm được điều đó mới có thể biến khó khăn thành sức mạnh. Trong quá trình làm việc, tôi học được ở bác sĩ Ân cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Trong mỗi buổi họp giao ban, khi có vấn đề nan giải được đưa ra báo cáo thì bác sĩ Ân luôn lắng nghe ý kiến của mọi người. Ông quan niệm có những mâu thuẫn rất nhỏ nhưng thành lớn chỉ vì lỗi giao tiếp, có những việc lớn bị bỏ qua vì sơ suất cá nhân. Việc thưởng phạt không chỉ mang tính chất răn đe mà quan trọng để những người khác không mắc lại sai lầm.
Là người ngoại đạo, tiếp cận y tế bằng đôi mắt của một người cầm bút, tôi dần thấu tỏ hơn những khó khăn mà nhà lãnh đạo y tế đối diện. Những bất nhất trong văn bản, những hướng dẫn thiếu thực tế hay những góc khuất chuyên môn - minh định được các vấn đề ấy hoàn toàn không đơn giản.
Tôi vẫn luôn cảm thấy mình may mắn vì được đồng hành với bác sĩ Trần Công Ân trong hành trình làm lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Hành trình ấy không khép lại mà mở ra với vô vàn những cơ hội, bài học, dự định chiến lược và thách thức. Và 500 con người ở Vĩnh Đức suốt 18 năm qua cũng đã thấm nhuần văn hóa bệnh viện, văn hóa của sự lắng nghe và chia sẻ. Và tôi tin, giá trị ấy sẽ còn được nhân lên và tiếp diễn...
Cầu thị, tinh tếNgười thầy thuốc trong tôi trước kia mang màu áo blouse trắng nhưng qua hình ảnh của bác sĩ Trần Công Ân, người thầy thuốc trong tôi giờ đây mang bất kỳ màu sắc nào. Có khi là một người bạn, người làm kinh doanh; có lúc là người thầy, một người lãnh đạo. Tập hợp hết những điều đó, người thầy thuốc mới thực sự là một người hiểu bệnh nhân và đồng hành với họ cả những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Tôi nhớ có lần bệnh nhân vì bức xúc thái độ của nhân viên y tế mà lên tận phòng tìm bác sĩ Ân phản ánh. Lúc đó, ông kiên nhẫn ngồi lắng nghe và phân tích vấn đề cho bệnh nhân hiểu. Và ông cảm ơn bệnh nhân vì chính nhờ những lời góp ý đó đã giúp bệnh viện phát triển. Sự cầu thị và những phân tích thấu tình đạt lý của bác sĩ Ân đã nhận được sự phản hồi tích cực từ bệnh nhân.
Đăng thảo luận