Cơn bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu của bão vừa qua đã tàn phá nặng nề nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Những sườn núi, mép đồi trong chớp mắt đã bị dòng lũ dữ cuốn trôi; những khu dân cư ngập chìm trong biển nước, thôn bản trở thành bình địa gây thiệt hại khủng khiếp về người và kinh tế.
Tái thiết lại cuộc sống sau bão lũ là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết đã và đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương rốt ráo triển khai để sớm ổn định đời sống người dân, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân.
Tuy vậy để đảm bảo an toàn về lâu dài, thích ứng hiệu quả trước thiên tai, bão lũ, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền các địa phương và người dân cần phải chung tay “vá” rừng, giảm phát thải khí nhà kính; đặc biệt là cần sớm phân vùng, cảnh báo chi tiết các điểm, vị trí có nguy cơ trượt - sạt lở.
Sau tái thiết, cần “vá” rừng
Tiến sỹ Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã ghi nhận 20 trên 21 loại hình thiên tai, thảm họa thiên nhiên xảy ra, gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt với các nhóm dân cư có tính dễ bị tổn thương cao.
Chỉ tính riêng cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão vừa qua, các tỉnh, thành ở miền Bắc đã phải chịu thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu khoảng trên 40.000 tỷ đồng; hơn 350 người chết, mất tích; trên 1.900 người bị thương…
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Cơn bão này và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh...
Đặc biệt, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sạt lở đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều.
Đăng thảo luận