Nhà hàng, khách sạn ở phố Núi Ngọc, trung tâm thị trấn Cát Bà hư hỏng, thiệt hại nặng nề sau bão số 3
Chạy gần 20km hứng sóng điện thoại
Ngày 9/9, UBND TP Hải Phòng quyết định hoạt động trở lại bến phà Đồng Bài - Cái Viềng, chở người dân và lực lượng chức năng ra đảo Cát Bà sau 4 ngày cấm biển, cấm phà do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Những chuyến phà đầu tiên có hàng trăm người dân trong đất liền mang theo thực phẩm, rau xanh, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là những can xăng, dầu tiếp tế cho người thân trên đảo. Ở chiều ngược lại, hàng nghìn người dân trên đảo Cát Bà cũng nườm nượp trở về đất liền để thông tin cho người thân về những ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do bão. Đồng thời, họ về đất liền tranh thủ chuẩn bị những vật dụng, chở xăng dầu hoặc những nhu yếu phẩm thiết yếu mang ra đảo tiếp tế.
Sau 4 ngày bị mất điện, mất kết nối thông tin với người thân trên đất liền, anh Thành (30 tuổi, quê Ninh Bình) hồ hởi khi biết tin phà hoạt động trở lại. Anh Thành cùng bạn gái nhanh chóng di chuyển từ thị trấn Cát Bà ra xã Hiền Hào (khoảng 15km) để hứng sóng điện thoại. Khi tới khu vực có sóng, điện thoại nam hướng dẫn viên du lịch nổ tin liên tục những lời nhắn hỏi thăm, động viên của người thân suốt những ngày mất kết nối. Anh vội gọi điện về báo gia đình, người thân.
Anh Thành chia sẻ, trước khi bão đổ bộ, bến phà dừng hoạt động từ ngày 6/9. Trong nhiều ngày liên tiếp sau đó, người dân trên đảo mất điện, mất sóng điện thoại, mất kết nối hoàn toàn với đất liền do đó không thể thông tin, liên lạc với ai. Mọi người chủ động bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản cá nhân.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện UBND huyện Cát Hải cho biết, khi bão đổ bộ, đảo Cát Bà mất kết nối với đất liền. Trong mấy ngày qua, đảo Cát Bà mất điện nước, mất mạng viễn thông do đó các đơn vị cơ sở phải đi xe máy trực tiếp vào trung tâm thị trấn Cát Bà để họp, báo cáo tình hình thiệt hại mỗi ngày. Hiện nay, bến phà được hoạt động trở lại, người dân mong chờ nhất là có mạng viễn thông, có điện và xăng dầu trở lại để bắt đầu khắc phục hậu quả.
Cơ sở du lịch tan hoang
Tại thị trấn Cát Bà, từ nhà dân, các cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn đến các cơ quan nhà nước đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Khu chợ trung tâm thị trấn trở thành đống đổ nát.
Cùng chồng thu gom quần áo, tài sản còn sót lại tại gian hàng, chị Ngô Thị Hương (ở thị trấn Cát Bà) thất thần khi có người hỏi thăm. Chị cho biết, bão quật đổ, vò nát toàn bộ 45 ki-ốt của các hộ kinh doanh trong chợ. Sau bão, hôm nay chị và chủ các gian hàng mới thu dọn phế liệu, hàng hóa sót lại. Theo chị, các hộ thuê ki-ôt buôn bán kinh doanh và đầu tư khoảng 500-700 triệu đồng tiền hàng hóa bán cho khách du lịch. Nay bão tàn phá khiến hàng chục hộ kinh doanh mất trắng.
Cảnh hoang tàn tại trung tâm thị trấn Cát Bà (TP Hải Phòng) sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Anh Toàn, quản lý một khách sạn kết hợp nhà hàng chia sẻ, nhà hàng bị sập, nhiều đồ đạc bị phá hủy. Còn khách sạn hư hỏng mái tôn, cửa kính, mái hiên, nội thất bị phá hủy, ước tính thiệt hại nhiều tỷ đồng. Theo anh Toàn, việc khắc phục sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn do không có thợ, tài chính cạn kiệt và đâu đâu cũng ngổn ngang sắt vụn, đồ đạc hư hỏng.
“Chúng tôi chỉ có thể tạm dọn gọn đồ đạc, phế liệu, vật dụng hư hỏng gọn lại thành đống chờ lực lượng vệ sinh môi trường, đội thu gom phế liệu giải phóng. Dự kiến việc khắc phục này sẽ kéo dài khoảng 2-3 tháng”, anh Toàn nói.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, dọc phố 1-4, phố Núi Ngọc, hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ đều bị bão phá hủy nặng nề về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Các công trình công cộng như: cột đèn, cột điện, biển quảng cáo... đều hư hỏng nghiêm trọng. Tại các bãi tắm, các khách sạn 5 sao cũng bị thiệt hại nặng nề. Cửa kính, cây cảnh, trần ban công khách sạn, hiên khách sạn và nhiều trang thiết bị, kiến trúc cảnh quan khác bị hư hỏng.
Ông Lê Thanh Trung (55 tuổi, ở thị trấn Cát Bà) chia sẻ, sống từ nhỏ ở Cát Bà đây là lần đầu tiên chứng kiến cơn bão khủng khiếp như vậy. Người đàn ông ngũ tuần cho biết, chính quyền cảnh báo siêu bão từ sớm và bà con cũng chủ động thu dọn đồ đạc, chằng buộc tài sản. Tuy nhiên, người dân Cát Bà không thể tưởng tượng sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3. Ước tính mỗi gia đình, hộ dân thiệt hại từ vài chục triệu đến nhiều tỷ đồng, đặc biệt các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng.
“Cơn bão này khiến người dân và doanh nghiệp ở Cát Bà kiệt quệ về kinh tế, cơ sở vật chất. Để có thể khắc phục hậu quả do bão, có thể Cát Bà phải mất nhiều tháng mới có thể ổn định, đón khách du lịch trở lại”, ông Lê Thanh Trung nói.
Đảo Cát Bà tan hoang, 4 ngày sau bão vẫn chưa có điện nước 10/09/2024Văn hóa
Nguyên nhân bà Xuân Hòa - chủ phòng trà Tiếng Xưa - đột ngột qua đời
Văn hóa
Biệt thự 100 tuổi trong phim 'Người đẹp Tây Đô' trước nguy cơ bị xóa sổ
Văn hóa
12 tỷ đồng để nâng cấp Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
Văn hóa
Làm thiện nguyện chuyên nghiệp
Văn hóa
Đăng thảo luận