Ông Hoàng Văn Tiếp ở thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân cho biết, ngoài việc được hỗ trợ gạo, tiền để dân bảo vệ khoanh nuôi rừng, ông cũng như nhiều người trồng, bảo vệ rừng nơi đây chưa bao giờ nghĩ sẽ được nhận thêm khoản tiền từ việc bán tín chỉ carbon. Nhiều năm qua, gia đình ông Tiếp tham gia bảo vệ hơn 31ha rừng tại tiểu khu 578.
Mỗi lần vào thăm rừng, ông Tiếp phải dậy từ tờ mờ sáng, chuẩn bị cơm nắm, muối vừng và đồ đi theo lối mòn để vào khu rừng của gia đình mình trông coi. Theo ông Tiếp, rừng ở xã Thanh Quân có độ dốc lớn, do đó, người đi rừng không chỉ phải có sức khỏe, mà phải có cả kinh nghiệm. Trong quá trình thăm rừng, nếu phát hiện người lạ hoặc rừng có dấu hiệu bị xâm phạm sẽ thực hiện ngăn chặn, đẩy đuổi, trình báo cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Ông Tiếp cũng như các hộ dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; không phát rừng làm nương rẫy; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô… Đầu năm 2024, ông Tiếp nhận được hơn 4 triệu đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Số tiền tuy không lớn, nhưng ông Tiếp cho rằng, đó là động lực giúp ông cũng như nhiều người dân khác bảo vệ rừng tốt hơn.
Năm 2023, toàn huyện Như Xuân có khoảng 29.000ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ, thu về hơn 3,7 tỷ đồng. Có 1.112 hộ dân và 6 chủ rừng nhà nước, 6 UBND cấp xã trên địa bàn huyện được nhận tiền từ bán tín chỉ carbon.
Việc thu lợi từ bán tín chỉ carbon hướng đến thực hiện mục tiêu “3 trong 1” gồm: tăng nguồn thu nhập, tạo động lực, tính chủ động của người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ, gắn bó với rừng; từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống.
Ông Lục Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Quân cho biết, xã Thanh Quân có hơn 2.400ha rừng tự nhiên, được giao cho 215 hộ trông coi, bảo vệ, đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon. Năm 2023, trung bình 1ha rừng sẽ được chi trả hơn 130.000 đồng, với hơn 2.400ha, người dân xã Thanh Quân đã thu về khoảng 313 triệu đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Cùng với quyền lợi được thụ hưởng từ việc bán tín chỉ carbon, trách nhiệm của người dân với rừng cũng lớn hơn. Nếu để xảy ra tình trạng rừng bị tàn phá, xâm phạm, chủ rừng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Vì sao khó giải ngân hơn 100 tỷ đồng bán tín chỉ carbon?
Do vướng mắc về quy định, hồ sơ giải ngân nên các chủ rừng nhà nước ở Thanh Hóa vẫn loay hoay trong giải ngân hơn 100 tỷ đồng tiền chuyển nhượng bán tín chỉ carbon.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có hơn 393.000ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ, hơn 162 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, chi phí quản lý, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, cho biết, năm 2023, đơn vị quản lý gần 5.700ha rừng tự nhiên, được chi trả hơn 741 triệu đồng tiền bán tín chỉ carbon. Đơn vị đã nhận được số tiền trên từ Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai từ đầu năm 2024. Hơn nửa năm qua, chúng tôi đã họp nhiều lần với các ban, ngành có liên quan để bàn cách giải ngân hợp lý tiền bán tín chỉ, nhưng đến thời điểm này vẫn đang mắc kẹt.
Ông Dũng thông tin, theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ số tiền bán tín chỉ carbon phải được chi ở các mục như: hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng sống gần rừng, tham gia bảo vệ rừng; chi cho hoạt động làm giàu rừng, khoanh nuôi, trồng rừng bổ sung. Hiện, đơn vị đã lập kế hoạch tài chính, đồng thời quyết toán nguồn kinh phí năm 2023 là 0 đồng. Chúng tôi đang xin các cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển nguồn từ năm 2023 sang 2024 nên số tiền bán tín chỉ carbon vẫn chưa thể sử dụng.
Các chủ rừng nhà nước, tổ chức rừng ở Thanh Hóa đang gặp khó khăn khi giải ngân tiền bán tín chỉ carbon, trong đó có Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh
Năm 2023, huyện Như Thanh có gần 11.000ha rừng tự nhiên đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon. Trong đó, diện tích rừng thuộc các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý khoảng 690ha, thu được hơn 90 triệu đồng và đã được chi trả. Số diện tích lớn còn lại thuộc quản lý của chủ rừng nhà nước, tổ chức rừng như: Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh là hơn 5.100ha, Vườn Quốc gia Bến En là hơn 3.200ha, UBND các xã... Chủ rừng, tổ chức rừng đều đã nhận được tiền chi trả tín chỉ carbon nhưng chưa thể giải ngân.
Thống kê của Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) cho thấy, giai đoạn 2023-2025, Thanh Hóa có hơn 393.000ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải nhà kính vùng bắc Trung Bộ, thu về hơn 162 tỷ đồng.
Anh Lê Văn Bảy (thôn Tân Hiệp, xã Thanh Hoà, huyện Như Xuân) tại khu rừng hơn 40 ha của gia đình trông coi, bảo vệ. Đầu năm 2024, gia đình anh nhận được gần 6 triệu đồng nhờ bán tín chỉ carbon
Huyện Như Thanh (Thanh Hóa) có hơn 11.000 ha rừng tự nhiên đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng quản lý Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2023, địa phương này có gần 25.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân; 336 chủ rừng là cộng đồng; 39 chủ rừng là tổ chức; 61 chủ rừng là UBND cấp xã trong diện được chi trả tiền bán tín chỉ carbon.
Cuối năm 2023, quỹ này đã chuyển gần 49 tỷ đồng đến các trường hợp được hưởng lợi từ bán tín chỉ carbon. Trong số đó, hơn 4 tỷ đồng là kinh phí quản lý. Hơn 23 tỷ đồng chi trả cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, chủ rừng cộng đồng. Việc chi trả cho các hộ gia đình thuận lợi, tiền bán tín chỉ phát huy hiệu quả. Hơn 22 tỷ đồng được quỹ chuyển về tài khoản của các chủ rừng tổ chức, chủ rừng nhà nước, UBND xã. Hiện tại, số tiền này chưa thể giải ngân, thực hiện các hoạt động sinh kế, biện pháp lâm sinh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng quản lý Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) cho biết, Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính. Bán tín chỉ carbon có ý nghĩa lớn trong việc tăng nguồn thu nhập cho các chủ rừng; hỗ trợ sinh kế cho các nhóm cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; giảm áp lực phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép; làm giàu rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia và hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây cũng là tiền đề cho việc phát triển đề án bán tín chỉ carbon rừng.
Theo lý giải của đại diện Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai, thì kế hoạch chi trả cho việc bán tín chỉ carbon là nội dung mới, trong quá trình triển khai phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Tại điểm c khoản 2 điều 3 Nghị định 107, quy định nguyên tắc “chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều đơn vị nhận tiền chi trả tín chỉ carbon nhưng chưa thể giải ngân.
Phần lớn diện tích rừng tự nhiên ở Thanh Hóa đang được bố trí kinh phí từ các chương trình, dự án thuộc ngân sách nhà nước để bảo vệ, khoán bảo vệ rừng. Nếu thực hiện theo nguyên tắc của Nghị định 107 là “chi chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước”, sẽ còn lại rất ít diện tích rừng thực hiện việc khoán, bảo vệ”.
Ngoài ra, tại khoản 2 điều 5 Nghị định 107, quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư. Trong khi đó, thực tế tại Thanh Hóa diện tích rừng tự nhiên ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.
“Việc giải ngân tiền bán tín chỉ carbon năm 2023 chưa thực hiện xong. Năm 2024, kế hoạch tài chính chưa được phân bổ. Thực tế, trong 162 tỷ đồng Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống thiên tai nhận từ Trung ương thì có 23 tỷ tiền bán tín chỉ carbon được sử dụng có hiệu quả, hơn 100 tỷ đồng đang đóng băng ở ngân hàng. Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai Thanh Hóa kiến nghị Quỹ cùng tên ở Trung ương kéo dài thời gian thực hiện chi trả chi phí bán tín chỉ carbon đến năm 2027 và sớm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ những vướng mắc trên”- ông Nguyễn Văn Tuấn thông tin.
Xem nhiềuKhoa học
Tiết lộ hình ảnh tiểu hành tinh khổng lồ vừa lướt qua Trái đất
Khoa học
Phong Nha - Kẻ Bàng mong muốn trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Khoa học
Danh tính bất ngờ của bộ hài cốt ở dưới Nhà thờ Đức Bà Paris
Khoa học
Hồi sinh cây được đề cập trong Kinh thánh từ hạt giống bí ẩn 1.000 năm tuổi
Khoa học
Đăng thảo luận