Lương chồng 9 triệu, trong khi lương tôi 25 triệu đồng, nhưng cả hai thống nhất tiền ai nấy giữ, tự do chi tiêu cho gia đình và cá nhân.

Vợ chồng lương ai nấy giữ chỉ tốt với các cặp đôi có cùng chung chí hướng, cùng nhau vun đắp cho gia đình nhỏ của mình ngày càng tốt hơn và quan tâm đúng khả năng đến gia đình lớn (bố, mẹ, anh chị em, con cháu hai bên) - nghĩa là mình có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, người cần giúp thì giúp...). Lương ai nhiều hơn cũng không quan trọng, quan trọng là cả hai phải biết cách chi tiêu hợp lý.

Vợ chồng tôi xuất thân từ những gia đình nghèo, vào Sài Gòn lập nghiệp. Tôi quê Thành Hóa còn chồng quê Hà Tĩnh. Chúng tôi cưới nhau đầu năm 2008. Đến cuối năm đó tôi sinh con đầu. Trộm vía, vợ chồng, con cái tôi đều khỏe mạnh, chỉ ốm vặt chứ không tốn kém tiền thuốc men, chữa trị. Con cái học trường công, gần nhà, không đi học thêm, con học không xuất sắc (năm giỏi, năm tiến tiến, có giấy khen mang về là được), không áp lực thành tích, nên tiền học trong trường cũng vừa tầm.

Vợ chồng tôi thống nhất lương ai nấy giữ. Tôi kiếm tiền nhiều hơn chồng, nên mọi chuyện trong nhà, từ ăn uống, nội trợ, con cái học hành, tôi đều lo hết. Vì chồng tôi làm công nhân, thời gian nghiêm ngặt, đi sớm về muộn. Nếu cứ so tính thiệt hơn, nhiều ít thì có khi lại cãi nhau suốt. Với tôi, làm cho gia đình thì bao nhiêu cũng là ít, ngược lại chồng tôi cũng vậy.

Là vợ chồng phải biết chấp nhận khả năng của vợ hoặc chồng mình. Như nhà tôi, dù lương chồng chỉ 9 triệu đồng, trong khi lương tôi 25 triệu (từ năm 2020), gia đình có bốn người, nhưng nhờ chung tay góp sức mà chúng tôi vẫn sống tốt ở Sài Gòn.

>> Cách tôi khiến chồng tâm phục, giao phó toàn bộ tiền bạc

Con chúng tôi một đứa học lớp 11, một đứa lớp 6, còn nhiều điều phải lo, nhưng hiện tại trải qua 17 năm hôn nhân, hai vợ chồng tôi chưa từng cãi nhau về tài chính. Đến khi cùng nhau già đi, chúng tôi vẫn muốn tiền ai nấy giữ, muốn ăn thì ăn, muốn sắm gì cho bản thân thì sắm, cần giúp ai thì giúp, chỉ cần nói cho nhau biết là được.

Vợ chồng tôi cứ chủ động tự chi tiêu hợp lý, khi thì vài tháng, thậm chí cả năm, thấy còn dư vài chục triệu đồng là tôi đưa chồng đi gửi tiết kiệm. Của chồng dư bao nhiêu cũng gom thêm vào đó rồi gửi luôn một khoản, không sân si nhiều ít. Cần mua sắm đồ dùng gì, hoặc mua tài sản lớn, chúng tôi sẽ gom hết lại xem đủ khả năng thì mới mua. Khi cần vay mượn tiền cũng vậy, tôi chỉ cần bảo chồng có khoản nọ khoản kia cần trả, nếu tôi gom đủ tiền trả thì tự động trả, còn không đủ thì cả hai cũng vét hết túi để đảm bảo uy tín.

Nói chung, trung bình mỗi năm chúng tôi lại để dư được khoảng 100 triệu đồng. Năm 2014 và 2028, chúng tôi mua hai mảnh đất nhỏ ở quê trị giá 600 triệu đồng. Năm 2020, chúng tôi cất lại căn nhà mất khoảng một tỷ đồng (có mượn bạn bè hơn 200 triệu đồng, không ai lấy lãi, mới trả xong hết nợ). Khả năng có hạn nên vợ chồng tôi chọn cách hợp lý nhất có thể. Mong mỗi gia đình luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc của riêng mình.

Hanh Duyen