Trung QuốcNgười đàn ông 42 tuổi bị nhồi máu cơ tim cần phẫu thuật khẩn cấp nhưng không có người thân, bác sĩ trưởng kíp trực đã ký giấy mổ cứu bệnh nhân.
10h tối 30/8, khi đang trực cấp cứu tại bệnh viện, bác sĩ Tôn Soái tiếp nhận một bệnh nhân nam 42 tuổi với triệu chứng tức ngực kéo dài 2 giờ. Bác sĩ Tôn thực hiện các bước khám bệnh thông thường, kê đơn thuốc, điện tâm đồ và xét nghiệm. Khi bệnh nhân chuẩn bị rời đi, anh đột nhiên mất ý thức và ngã quỵ, không có phản ứng.
Bác sĩ Tôn nhanh chóng gọi đồng nghiệp trực hỗ trợ, vừa tiến hành ép ngoài lồng ngực và hồi sức tim phổi tại chỗ, vừa đẩy bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Kết nối với máy sốc điện, họ xác nhận bệnh nhân bị rung thất. Điện tâm đồ cho thấy người này nhồi máu cơ tim rộng ở vùng trước. Trong phòng cấp cứu, tình trạng của bệnh nhân rất bất ổn, rung thất tái phát nhiều lần, da tím tái, tiểu tiện và đại tiện không kiểm soát, nôn mửa nhiều dịch dạ dày.
Dưới sự chỉ đạo của trưởng ca trực phòng cấp cứu Đồng Nam, bác sĩ nội trú Lương Mộng Lâm nhanh chóng đặt ống nội khí quản, nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân được phục hồi về mức bình thường.
Nguyên nhân gây bệnh đã được xác định, cần phải can thiệp động mạch vành qua da (PCI) khẩn cấp để mở lại động mạch vành bị tắc. Tuy nhiên lúc này, kíp trực mới phát hiện bệnh nhân không có người thân đi cùng, thông tin cá nhân không đầy đủ, cảnh sát cũng không thể liên lạc với gia đình.
Không có chữ ký của người nhà, bệnh viện không thể trực tiếp chỉ định phẫu thuật. Nhưng nếu trì hoãn hoặc bỏ qua thủ tục khẩn cấp, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong và suy tim rất lớn. Đêm đó, trưởng ca trực tổng của bệnh viện, bác sĩ Trương Ngọc Hoa và trưởng ca trực thứ khoa tim mạch Lưu Vũ nhận được thông tin. Cả hai lập tức chỉ định chuẩn bị phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân. Họ cho rằng: "Không thể từ bỏ mạng sống của một người trẻ chỉ vì không có chữ ký của người thân".
Bác sĩ Trương Ngọc Hoa nhấn mạnh với đội ngũ y tế: "Nam giới 42 tuổi là trụ cột kinh tế của gia đình, từ bỏ điều trị sớm gần như là hủy hoại một gia đình. Tôi sẽ ký tên, các bạn cứ yên tâm thực hiện".
Bệnh nhân 42 tuổi dần hồi phục sau ca phẫu thuật của các bác sĩ tại Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh. Ảnh: Beijing Chao Yang Hospital
Các bác sĩ nhanh chóng bắt đầu ca phẫu thuật. Không lâu sau, động mạch bị tắc của bệnh nhân được khôi phục lưu lượng máu. Sau ca mổ, bệnh nhân tỉnh táo, huyết áp, nhịp tim và các dấu hiệu sinh tồn khác dần ổn định.
Rạng sáng hôm sau, cảnh sát đã tìm được thông tin liên lạc người thân gần nhất của bệnh nhân. Họ cho biết người bệnh chưa kết hôn, sống đơn thân, cha mẹ đều đã mất, hoàn cảnh gia đình đáng thương.
Đây đã là ca phẫu thuật PCI cấp cứu thứ ba trong vòng một tháng mà đội ngũ của bác sĩ Lưu Vũ phối hợp cùng Trung tâm Y học Cấp cứu Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh thực hiện trong tình trạng bệnh nhân đang đặt ống nội khí quản.
Nhồi máu cơ tim cấp tính là kẻ giết người thầm lặng đối với người trung niên và cao tuổi, thường gây tử vong trong giai đoạn cấp tính. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, căn bệnh có xu hướng trẻ hóa, đe dọa sức khỏe và an toàn mạng sống của lực lượng lao động chính.
Thông thường, đội ngũ y tế tại các bệnh viện sẽ không thực hiện phẫu thuật cho các bệnh nhân không có người giám hộ. Giấy cam kết phẫu thuật là văn bản rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên bác sĩ và bệnh nhân. Thực hiện phẫu thuật mà không có chữ ký là rủi ro lớn. Nếu thất bại, các bác sĩ có thể đối mặt với kiện tụng pháp lý và khủng hoảng dư luận.
Những năm gần đây, số người độc thân và không kết hôn trong xã hội Trung Quốc ngày càng tăng. Việc không có người thân đi kèm khi gặp tình huống cấp cứu dần trở thành vấn đề xã hội mới, đặt ra thách thức cho các bệnh viện và đội ngũ y tế.
Thục Linh (Theo Beijing Chao Yang Hospital)
Đăng thảo luận