Các chính sách dân tộc, chăm lo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên, thực hiện tốt trong năm 2023.
Đồng bào DTTS chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú ở trên 85% diện tích của tỉnh, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia; trên địa bàn tỉnh có gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chỉ thị, nghị quyết, giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí nguồn lực lớn để tập trung thúc đẩy phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện thành công Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (Đề án 196) trước một năm so với kế hoạch.
Tuy nhiên, tình hình KT-XH vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Khoảng cách về thu nhập, trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội so với các vùng, miền khác còn chênh lệch khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, thoát nghèo chưa bền vững.
Năm 2023 mức thu nhập bình quân ở khu vực DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,3 triệu đồng/người.Trước tình hình đó, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch về thí điểm xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi. Đề án sau khi triển khai góp phần khơi dậy tinh thần tự hào, tự lực vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình người DTTS trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, kéo giảm khoảng cách giữa các vùng miền.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XV, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với các mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Trong đó, đã huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt là tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Điển hình là HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021, trong đó xác định Ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình theo phân cấp ngân sách nhà nước.
Tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.665,0 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện: 1.500 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác: 200 tỷ đồng; ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 Quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tổng ngân sách tỉnh bố trí trực tiếp cho Chương trình và Nghị quyết số 06-NQ/TU giai đoạn 2021-2023 là 2.902,751 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp huyện đã bố trí thực hiện Chương trình và Nghị quyết số 06-NQ/TU giai đoạn 2021 -2023 là 1.796,022 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tập trung nguồn vốn các Ngân hàng cho vay tại các xã thuộc phạm vi Chương trình và Nghị quyết số 06-NQ/TU để phát triển sản xuất, tạo việc làm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách tín dụng tại địa bàn 65 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hội Nông dân tỉnh đã sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân 78,451 tỷ đồng cho 154 dự án mới với 1.146 hộ vay; dư nợ cho vay đạt 78,185 tỷ đồng với 1.238 hộ vay qua 191 dự án.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2023 mức thu nhập bình quân ở khu vực DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,3 triệu đồng/người. Toàn tỉnh còn 171 hộ nghèo, 1.638 hộ cận nghèo là người DTTS. Trong 2 năm (2021-2022), số hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh giảm từ 1.056 hộ xuống còn 170 hộ, trong đó số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất đối với địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, duy trì thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách, các hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS tại miền núi, hải đảo.
Đăng thảo luận