Đúng một khung giờ vào 10 ngày giữa tháng Năm trong bốn năm cuối đời, Hồ Chủ tịch lại mang "tài liệu tuyệt đối bí mật" ra chỉnh sửa.
Ông Vũ Kỳ, thư ký 24 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hồi ký Bác Hồ viết di chúc, nhớ lại việc này bắt đầu từ trung tuần tháng 5/1965. Hồ Chủ tịch sắp tròn 75 tuổi.
"Tài liệu tuyệt đối bí mật"
Đó là buổi sáng thứ Hai ngày 10/5/1965, theo ký ức ông Vũ Kỳ, trời cao, xanh. Sau khi tiếp Bộ trưởng Giao thông Vận tải đến báo cáo về con đường chiến lược qua đất Lào, đúng 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu "Tuyệt đối bí mật".
Những năm tiếp theo, 9h sáng các ngày từ 10/5 đến 20/5 trở thành "giờ thiêng", "bất khả xâm phạm" khi ông Kỳ bố trí lịch công tác. Sau những lần chỉnh sửa mỗi năm, tập tài liệu lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ trong một phong bì, đưa cho thư ký và dặn dò "năm sau chú nhớ đưa lại cho Bác".
Bút tích bản viết năm 1968 đang được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phương
Là người duy nhất chứng kiến suốt bốn năm, ông Kỳ nhớ rõ từng ngày giờ, thứ mấy, thời tiết, tiếng động, mùi hương ra sao. Giờ đó mỗi tháng Năm, ông đều túc trực quanh nhà sàn khi Bác sửa chữa tài liệu tuyệt mật.
Người thư ký ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh một phần tư thế kỷ, từ năm 1945 đến 1969. Khi được Trung ương chọn làm người phục vụ cho cụ Hồ từ Việt Bắc về Hà Nội cuối năm 1945, Vũ Kỳ mới 24 tuổi, từng là học sinh trường Bưởi và theo cách mạng đã 5 năm. Thanh niên có nụ cười sáng, dáng dấp thư sinh. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên theo ước nguyện Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Những năm đầu khi chưa bố trí được bác sĩ riêng, ông Kỳ vừa là thư ký kiêm cần vụ, chăm lo sức khỏe cho Bác Hồ.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong cuộc họp ngày 3/9/1969, ông Phạm Văn Đồng giới thiệu ông Vũ Kỳ chuyển đến Trung ương tài liệu để trong chiếc phong bì to và báo cáo về một số điều Hồ Chủ tịch dặn lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Đúng ngày truy điệu, đưa tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phần tài liệu "tuyệt đối bí mật" được công bố với tên gọi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản công bố chủ yếu dựa vào bản 1965. Bác qua đời lúc 9h47 ngày 2/9/1969, trùng Quốc khánh của Việt Nam, Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng khoá III đã quyết định công bố lùi lại một ngày, là 3/9/1969 và giữ lại một số điều trong di chúc.
Dịp 20 năm sau ngày mất và chuẩn bị 100 năm ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã công bố ngày mất chính xác của Bác và toàn văn Di chúc với một số điều trước đây giữ lại, như: căn dặn của Người về việc hoả táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, miễn giảm thuế nông nghiệp cho các hợp tác xã...
Bốn năm chỉnh sửa
Theo ông Vũ Kỳ, bản Di chúc được hoàn thành từ tháng 5/1965. Song từ đó đến 1969, Hồ Chủ tịch đều đem ra đọc lại, chỉnh sửa, bổ sung.
Năm 1965
Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm đó "hiểu rõ hơn ai hết tình hình sức khỏe" và cuộc chiến mà dân tộc còn phải vượt qua rất gian khổ, lâu dài. Mở đầu bản viết, Bác ghi "Nhân dịp mừng 75 tuổi". Phía trên, bên trái, hơi chếch ra ngoài lề, Bác ghi thêm hàng chữ "Tuyệt đối bí mật", "không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người sắp đi xa, sợ dẫn đến những suy nghĩ không có lợi", hồi ký nêu.
Những ngày sau đó, Bác đều dành một giờ để viết tiếp.
Thứ sáu ngày 14/5, từ 6h, Hồ Chủ tịch tới cánh đồng Xuân Phương (huyện Từ Liêm) thăm hỏi bà con đang thu hoạch lúa chiêm. Cuộc thăm hỏi kéo dài bốn tiếng, tới 10h, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới về, kịp họp Bộ Chính trị bàn về công tác đào tạo cán bộ, nhưng không viết tiếp được như đã định. Chiều hôm đó, Bác dành gấp đôi thời gian, từ 14h đến 16h để viết và hẹn ông Lê Duẩn sang gặp.
Đúng hẹn, ông Lê Duẩn có mặt cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu Tuyệt đối bí mật. Dù là ngày 14, nhưng Bác lại đánh máy dòng chữ "Hà Nội ngày 15/5/1965" trước chữ ký Hồ Chí Minh.
Bản đánh máy này dài ba trang. Góc trái có chữ ký người chứng kiến là ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng bấy giờ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc cùng chiếc máy chữ tại tầng hai nhà sàn, tháng 4/1960. Ảnh tư liệu
Ông Kỳ nhớ dịp sinh nhật 75 tuổi năm ấy tổ chức sớm. Chiều 14/5, các thành viên Bộ Chính trị và một số ủy viên Trung ương tranh thủ vào chúc thọ vì biết sáng mai Bác đi công tác khoảng một tháng. Bó hoa tươi được đặt trang trọng giữa bàn. Ông cụ dặn ai nấy ăn kẹo, bánh và "nhớ để phần cho các thím, các cháu ở nhà". Trước đó, Bác muốn biết ai là người tổ chức cuộc gặp mặt, cảm ơn tấm lòng và dặn "trong lúc toàn dân đang kháng chiến gian khổ, mọi việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ cá nhân là không nên".
Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa chiếc phong bì cho thư ký Vũ Kỳ rồi dặn "Chú cất giữ cẩn thận, sang năm, mồng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác".
Năm 1966
Bước sang tuổi 76, tay chân Bác cử động khó khăn hơn. Hội đồng y khoa xác định đó là triệu chứng của hiện tượng tưới máu não không đều. Nhưng Bác đều đặn luyện tập để chống lại bệnh tật, kiên trì, tuân thủ phương pháp, giữ đúng giờ giấc.
Nhớ lời dặn năm ngoái, trước 9h ngày 10/5/1966, ông Kỳ đặt sẵn chiếc phong bì "Tuyệt đối bí mật" trên bàn làm việc, nhưng không thấy Hồ Chủ tịch viết gì thêm.
Ngày hôm sau, Bác vẫn dành đúng một tiếng, từ 9h đến 10h để tiếp tục suy nghĩ về những điều dặn lại cho mai sau. Bác đọc chăm chú từng câu chữ đã đánh máy xong lúc 16h ngày 14/5/1965. Nhưng Bác không viết gì thêm, có lúc cầm bút lên rồi lại đặt xuống.
Từ ngày 12 đến 14/5/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị. Trong những ngày này, tài liệu được viết thêm một câu mà ông Kỳ cho là đặc biệt quan trọng: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình...". Cũng trong năm này, Bác viết thêm liền sau đoạn đó: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Năm 1968
Tháng Năm năm ấy, sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh giảm sút, ho nhiều, có hiện tượng cảm sốt. Song ông Kỳ kể trong hồi ký, lịch làm việc vẫn dày đặc bởi Bác muốn nghe nhiều, hiểu nhiều. Những trang viết từ ba năm trước lại được mở ra vào ngày 10/5. Hai năm qua hầu như không thêm gì.
Bản di chúc năm 1965 mở đầu "Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe" đến năm 1968 Hồ Chủ tịch viết lại "Năm nay tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người trung thọ. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây".
Di chúc được viết tiếp "Người ta đến khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Đó là một điều bình thường". Rồi cũng như năm 1965, Bác viết thêm "Nhưng không ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa. Vì vậy, tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, phòng khi tôi đi gặp các cụ Các Mác, Lenin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột".
Bản viết lần này dày đặc những dòng chữ chồng chéo lên nhau, gạch xóa, vòng xuống vòng lên, mực xanh lẫn đỏ... Di chúc được viết dài hơn, dặn dò cụ thể những việc cần làm ngày hậu chiến: mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh; chỉnh đốn Đảng; chăm lo đời sống nhân dân; làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, chăm lo người có công với cách mạng; miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã...
Hồ Chủ tịch hát cùng các cháu thiếu nhi, tháng 5/1969. Ảnh tư liệu
Một ngày trước sinh nhật năm ấy, ông cụ lên Hồ Tây ngay sau bữa cơm tối, có ý tránh các đoàn đến chúc mừng. Thư ký Vũ Kỳ nhớ trên chiếc ghế mây nhỏ, Bác ngồi đọc rồi sửa tiếp tài liệu bí mật. Mâm cơm trưa sinh nhật 19/5 có anh em phục vụ, lái xe, mấy Bác cháu quây quần.
Năm 1969
Lần đầu tiên trong bốn năm, bản tài liệu được sửa chữa từ 9h30 đến 10h30 ngày 10/5. Trong bản này, Hồ Chủ tịch viết lại toàn bộ đoạn mở đầu vào mặt sau tờ Tin tham khảo đặc biệt ra ngày 3/5/1969 "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta"...
Đến ngày 10/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh toàn bộ tài liệu tuyệt đối bí mật bắt đầu từ bốn năm trước đó. Theo người thư ký, trừ phần cuối hầu như giữ nguyên như năm 1965, các phần đầu và giữa đều được thêm bớt, sửa chữa qua bốn năm suy ngẫm. Riêng năm 1968, Bác bổ sung thêm nhiều điểm quan trọng nhưng như một phụ lục chứ không viết vào bản chính thức như đã công bố. Tám ngày sau, Di chúc tiếp tục được sửa hai chữ và thêm hai chữ.
Ngày 19/5/1969, Hồ Chủ tịch xem kỹ lại toàn bộ các bản viết trong bốn năm, chữa thêm ba từ ở phần mở đầu.
Bữa cơm trưa sinh nhật năm 1969 có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chị Phan Thị Quyên - vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Thị Châu từ miền Nam ra. Mâm cơm đủ ba thế hệ, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam.
Ông Vũ Kỳ, thư ký riêng 24 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
55 năm qua, những nội dung Bác dặn dò trong Di chúc vẫn nguyên giá trị thực tiễn. GS Mạch Quang Thắng, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định, việc Hồ Chủ tịch viết lại một số đoạn kỹ lưỡng hơn trong các bản 1968, 1969 đều gắn liền với nhiều biến động thời cuộc khi ấy. Nội dung sau nhiều lần sửa chữa thành một di chúc lớn, song cốt lõi, xuyên suốt gói gọn trong hai chữ "Đảng" và "dân".
Về Đảng, GS Thắng tóm lược 8 vấn đề là giữ gìn sự đoàn kết, phê bình và tự phê bình, giữ đạo đức cách mạng, đào tạo và bồi dưỡng cho thế hệ sau, Đảng có trách nhiệm nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề sau chiến tranh và đoàn kết quốc tế. Việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, theo ông "nhìn qua có vẻ không mới nhưng chưa bao giờ cũ" và đều xoay quanh những vấn đề này. Thực tiễn đòi hỏi cần làm thường xuyên hơn, nhất là trong công tác cán bộ.
Về dân, theo ông Thắng những điều căn dặn đều tập trung vào con người thời hậu chiến. Dân góp sức người, sức của cho cách mạng, chiến tranh kết thúc thì phải bồi dưỡng sức dân. Nhìn lại hàng nghìn năm từ thời phong kiến, các triều đại sau chiến tranh đều có chính sách an dân, "khoan thư sức dân" để làm gốc rễ. Chăm lo cho dân hiện nay còn là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt và có chính sách phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
"Sau 55 năm, thực hiện di nguyện của Chủ tịch Chí Minh vẫn là dựa vào hai điểm cốt lõi này, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên và đoàn kết toàn dân bởi đây là mối quan hệ không tách rời", ông nói.
Hoàng Phương
* Tài liệu tham khảo: Hồi ký Bác Hồ viết di chúc của tác giả Vũ Kỳ
Đăng thảo luận