Khi đọc về những cái chết thương tâm của các em nhỏ thôn Làng Nủ (Lào Cai), nhạc sĩ Nguyễn Cường cảm thấy 'chấn động tâm trí'. Để rồi, từ bài thơ 'Cô sẽ biết chúng con đang ở đâu' của tác giả Lưu Trọng Văn, nhạc sĩ phổ nhạc ngay tức thì.
Cô giáo Hoàng Thị Nự ngồi trong lớp ghép 5 tuổi thuộc điểm trường thôn Làng Nủ với những kỷ vật còn lại của các con - Ảnh: THÀNH CHUNG
Bài thơ được Lưu Trọng Văn viết và gửi ngay trong đêm. Sáng hôm sau, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng kịp hoàn thành và hát run run qua điện thoại.
Thông qua bài hát, hai tác giả muốn chia sẻ với những nỗi đau mất mát của bà con đang phải chịu những hậu quả nặng nề bởi thiên tai; đồng thời gửi đến một lời chúc kiên cường, mong vượt qua nghịch cảnh.
Bài thơ viết ngay trong đêm
Tác giả Lưu Trọng Văn chia sẻ với Tuổi Trẻ, khi đọc những thông tin kinh hoàng về Làng Nủ, về các em nhỏ mầm non trong đợt lũ vừa qua, anh cùng nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, họa sĩ Lê Thiết Cương và Cường Tuse muốn làm gì có ý nghĩa để tưởng niệm những đứa trẻ đã mất ở đây.
"Tôi nói với Nguyễn Cường viết một ca khúc tưởng nhớ các em, mong rằng chúng ta sẽ chung tay xây dựng công trình nào đó hiện hữu nơi Làng Nủ, để cùng tưởng niệm những mất mát đau thương của người dân nơi đây", ông Lưu Trọng Văn kể lại.
Nguyễn Cường rất cảm động nói: "Ông làm ngay cho tôi lời, tôi sẽ lo phần nhạc". Ngay đêm đó, Lưu Trọng Văn ngồi viết bài thơ gửi cho nhạc sĩ Nguyễn Cường, lấy tên Cô sẽ biết chúng con đang ở đâu.
TIN LIÊN QUANNhững kỷ vật cuối cùng của những đứa trẻ thôn Làng Nủ
Xây thôn Làng Nủ mới trong 100 ngày
Chờ đợi những phép màu ở Làng Nủ và Phong Châu
"Lộc ăn nhanh vì mẹ bảo ăn nhanh chóng lớn
Khôi ăn chậm vì mẹ bảo nhai kỹ no lâu
Nam mơ thành siêu nhân
bay như đại bàng
Quân mơ vào lớp một
mẹ mua xe đạp anh chở đến trường.
Đứa thích cây nấm vì nấm xòe ô che mưa cho kiến
Đứa vẽ bông hoa bên suối
để suối thấy hoa mà êm trôi.
Cô giáo hỏi: Ai thích múa nào?
Cả lớp giơ tay.
Cô giáo hỏi: Ai yêu mẹ nào?
Cả lớp giơ tay.
Các con ơi,
ước gì lúc này cô thấy cánh tay các con với với trong bùn đất
Cô ơi, tay chúng con không giơ lên được nữa rồi
chúng con thương cô không biết được chúng con đang ở đâu.
Cô gửi xuống đây cây đàn, cái kèn, cái trống treo ở vách tường lớp mình để chúng con đàn,
chúng con thổi kèn
chúng con gõ trống
cô sẽ biết chúng con đang ở đâu.
Cô sẽ biết chúng con đang ở đâu".
Nhạc sĩ Nguyễn Cường sau khi nhận được bài thơ đã ngồi ngay vào đàn piano vung tay, vung râu kẽm, vung chiếc mũ da cao bồi khi đi ngủ cũng đội rồi hát: "Ai thích múa nào? Cả lớp giơ tay/ Ai yêu mẹ nào? Cả lớp giơ tay".
Lưu Trọng Văn kể: "Tôi gửi thơ trong đêm thì sáng hôm sau Nguyễn Cường đã viết xong phần nhạc. Qua điện thoại, Cường hát tôi nghe, giọng run run như khóc".
Góc học tập của các con với nhiều đồ kỷ vật - Ảnh: THÀNH CHUNG
Cánh tay của các em Làng Nủ vẫn đang giơ lên
Bản nhạc Cô sẽ biết chúng con ở đâu (thơ Lưu Trọng Văn - nhạc Nguyễn Cường)
Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói với Tuổi Trẻ, khi tới một trường mẫu giáo nào đó, hình ảnh dễ thấy nhất là những cánh tay giơ lên của các em nhỏ.
Đó không chỉ là sự đáng yêu, trong sáng và mến thương của các em, nó còn là chỉ dấu của sự sống.
"Khi lũ ào về, cuốn phăng và vùi lấp hết tất cả, cái mong muốn được nhìn thấy những cánh tay của các cháu cũng không thành hiện thực nữa rồi", nhạc sĩ tâm sự.
Nguyễn Cường cho rằng bài thơ của Lưu Trọng Văn hay ở chỗ, cả bài không nhìn thấy cánh tay nào giơ lên từ bùn đất nhưng trong tâm tưởng của chúng ta, những cánh tay bé xinh đó vẫn đang giơ lên, vươn lên.
"Các em vươn tới sự sống, ánh sáng và ước mơ. Hình ảnh thật đẹp, trào lên trong lòng tôi đầy chấn động", ông nói thêm.
Lúc bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, Nguyễn Cường đang ở Quảng Ninh - tâm bão thời điểm đó - nên ông đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá ghê gớm của nó.
Tuy nhiên, những mất mát về tiền bạc, tài sản có thể khắc phục được bằng nhiều cách nhưng mất mát về người là một mất mát không có gì bù lấp nổi.
Vì thế khi đọc những câu chuyện thương tâm về Làng Nủ, nhất là xem những bức hình chụp lại kỷ vật cuối cùng của các em tại ngôi trường mẫu giáo mà các em yêu mến, lòng nhạc sĩ không khỏi xót xa.
Đăng thảo luận