Facebook "làm ngơ" trước video giả mạo bôi nhọ tổng thống Mỹ Joe Biden
(Dân trí) - Một đoạn video với nội dung cắt ghép, chỉnh sửa nhằm bôi nhọ tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn được tồn tại và lan truyền trên Facebook, dù ban lãnh đạo của mạng xã hội biết về sự tồn tại của video này.
Mọi chuyện bắt đầu từ một đoạn video được đăng tải lên Facebook vào tháng 5/2023 và nhanh chóng được lan truyền trên nền tảng mạng xã hội này. Đoạn video được chỉnh sửa từ một video gốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo đó, nội dung đoạn video gốc ghi lại hình ảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đi bỏ phiếu. Sau đó, ông nhận lấy tấm nhãn dán với nội dung "Tôi đã bỏ phiếu" và dán tấm nhãn này lên áo của cháu gái lớn của mình và hôn lên má của cô như một cách để thể hiện tình cảm.
Tuy nhiên, đoạn video giả mạo đã được chỉnh sửa lại để trông như ông Biden đang chạm vào ngực cháu gái của mình và thực hiện các hành vi "không đúng đắn". Đoạn video giả mạo được chỉnh sửa bằng phần mềm đồ họa, chứ không phải sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo, nhưng không rõ ai là thủ phạm đã tạo ra đoạn video này.
Dù đây chỉ là đoạn video giả mạo, nhưng nhiều người tại Mỹ đã tin rằng đây là video hành động thực sự của ông Biden. Đoạn video giả mạo này đã được nhiều người dùng Facebook tại Mỹ chia sẻ lại, kèm theo những lời lẽ và bình luận không mấy tốt đẹp về Tổng thống Biden.
Ban đầu, khi đoạn video giả mạo mới được chia sẻ lên Facebook vào tháng 5/2023, công cụ kiểm duyệt nội dung tự động của Facebook đã lập tức gỡ bỏ đoạn video này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trở thành "nạn nhân" của video giả mạo, nhưng Facebook không đứng ra để bảo vệ ông (Ảnh minh họa: Getty).
Tuy nhiên, người dùng Facebook đầu tiên chia sẻ đoạn video này đã kháng cáo, cho rằng đoạn video không hề vi phạm các chính sách về nội dung của Facebook. Cuối cùng, kháng cáo đã được chấp thuận, giúp đoạn video này được xuất hiện trở lại trên Facebook và tạo nên một "cơn sốt", được nhiều người chia sẻ.
Đoạn video này đã gây ra nhiều tranh cãi giữa những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người tin rằng đoạn video là thật. Những cuộc tranh cãi đã buộc Ủy ban Giám sát độc lập của Facebook phải vào cuộc điều tra.
Sau một thời điều tra, Ủy ban Giám sát của Facebook bất ngờ đưa ra thông báo đoạn video chứa nội dung xuyên tạc về Tổng thống Mỹ Joe Biden "không vi phạm các quy tắc cộng đồng của Facebook", do vậy đoạn video vẫn tiếp tục được tồn tại trên nền tảng mạng xã hội này.
Dù vậy, Ủy ban Giám sát của Facebook vẫn thừa nhận rằng đoạn video này có thể gây hiểu lầm, do vậy Facebook cần phải xem xét và mở rộng các quy tắc cộng đồng của mạng xã hội này để có giải pháp xử lý phù hợp nếu gặp phải những video với nội dung tương tự.
"Chính sách hiện tại của Facebook chỉ cấm các video đã chỉnh sửa có cảnh một ai đó nói ra những lời mà họ không nói và chỉ áp dụng với những video được chỉnh sửa bằng AI. Trong đoạn video được xem xét, ông Biden không nói ra lời nào, do vậy video này không vi phạm chính sách cộng đồng của Facebook", đại diện Ủy ban Giám sát Facebook cho biết.
Quyết định của Ủy ban Giám sát Facebook đã tiếp tục gây ra những tranh cãi trong cộng đồng mạng và khiến những người ủng hộ ông Biden phẫn nộ, khi họ cho rằng nội dung đoạn video có thể làm ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Biden.
Nhiều người cũng cho rằng Facebook đang dung túng cho các nội dung giả mạo và sai sự thật tồn tại trên nền tảng mạng xã hội này, khi mà ngay cả Tổng thống Mỹ bị làm giả nội dung, Facebook cũng không thể đứng ra để giải quyết, thì những người bình thường trở thành nạn nhân của các video, hình ảnh giả mạo, liệu Facebook có thể bảo vệ cho họ?
Ủy ban Giám sát Facebook gồm 20 thành viên độc lập, sống khắp nơi trên toàn thế giới. Thành viên của Ủy ban Giám sát Facebook bao gồm các luật sư, nhà toán học, chủ nhân giải Nobel hoặc thậm chí là cựu Nguyên thủ quốc gia…
Ủy ban Giám sát hoạt động hoàn toàn độc lập và được xem là "Tòa án Tối cao" của Facebook, có thể đưa ra các quyết định quan trọng cho Ban quản trị của Facebook, bao gồm cả đề xuất những chính sách hoạt động của mạng xã hội này.
Thậm chí, Ủy ban Giám sát còn được phép đưa ra những quyết định trái ngược với ý kiến của CEO Mark Zuckerberg. Một trong những quyết định quan trọng mà Ủy ban Giám sát Facebook từng đưa ra đó là quyết định "cấm cửa" vĩnh viễn cựu tổng thống Donald Trump khỏi mạng xã hội Facebook.
Theo Engadget/Dtrends
Đăng thảo luận