Thực tế thời gian qua cho thấy, một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác phối hợp, xử lý, ngăn chặn loại hình vi phạm này.
Áp lực ngày càng lớn
Hiện tượng xe hợp đồng vận chuyển khách liên tỉnh, xe quá cảnh nhưng dừng đỗ đón khách, nhận hàng ngay trong lòng TP, xe dù, bến cóc trên địa bàn Hà Nội đã diễn ra trong một thời gian dài. Sau khi Sở GTVT TP Hà Nội xây dựng một chuyên đề báo cáo UBND TP Hà Nội; đồng thời phối hợp với Công an TP triển khai hàng loạt biện pháp mạnh, vi phạm đã giảm rõ rệt.
Xe dừng đỗ trả khách trên đường Giải Phóng. Ảnh: Phạm ThươngTuy nhiên thời gian qua, những hiện tượng nêu trên lại có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại. Đặc biệt xe khách trá hình loại từ 16 chỗ trở xuống, xe tuyến cố định quá cảnh TP đang ngày càng lách luật tinh vi hơn, biến đường phố bất cứ đâu thành bến cóc.
Hàng loạt cái tên đã được Sở GTVT Hà Nội nêu lên như: HTX dịch vụ vận tải HM; HTX vận tải xe Đông Nam; Công ty CP Vận tải du lịch Hưng Long; Công ty TNHH Du lịch Hương Thành; Công ty TNHH X.E Việt Nam; Công ty CP DL VN Hà Nội; Công ty TNHH TM Việt Tuấn; Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Nữ Hoàng; HTX dịch vụ vận tải Trường Hải…
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây là những đơn vị có dấu hiệu lợi dụng xe hợp đồng để hoạt động như xe tuyến cố định, tổ chức đón trả khách không đúng nơi quy định, chạy lòng vòng để đón trả khách trên các tuyến phố nội đô, gây mất trật tự, ATGT…
Không chỉ các DN vận tải của Hà Nội, mà nhức nhối hơn là hàng loạt DN đăng ký kinh doanh ngoại tỉnh, mở tuyến cố định không có đầu bến tại Thủ đô, chỉ lợi dụng lộ trình để lê la bắt khách, đón trả hàng, thậm chí thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh để gom khách trong lòng Thủ đô.
Đơn cử như Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn mà Kinh tế & Đô thị online đã phản ánh trong bài viết “Xe khách Kết Đoàn đủ cách lách luật, náo loạn đường phố” đăng ngày 26/9/2024, hiện có hàng chục phương tiện gắn mác xe hợp đồng hoạt động vận tải hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh Phú Thọ, Hải Phòng gây náo loạn các tuyến đường của Thủ đô.
Nhà xe này không có bất kỳ lộ trình cố định nào, khách ở đâu, xe có mặt ở đấy. Những chiếc xe limousine loại 16 chỗ len lỏi qua bất kỳ tuyến phố nào của Hà Nội vào tất cả các khung giờ để đón trả hành khách góp phần khiến đường phố trở nên lộn xộn, ùn tắc.
Bài viết ghi nhận: không chỉ sử dụng xe khách trá hình để vận chuyển hành khách cố định từ Hà Nội đi Hải Phòng và Phú Thọ, nhà xe Kết Đoàn còn lợi dụng việc được cấp phép khai thác vận tải tuyến cố định bến xe Cầu Rào (Hải Phòng) đi bến xe Việt Trì (Phú Thọ) mà ngang nhiên qua mặt nhiều chốt tuần tra, kiểm soát để chạy xuyên tâm vào Thủ đô đón trả khách tại khu vực hầm chui Đại lộ Thăng Long. Đại diện Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, đã nhiều lần xử phạt vi phạm của xe, nhưng không đủ thẩm quyền để xử phạt DN.
Tương tự tại các quận như: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa… nơi dân cư tập trung đông, nhu cầu đi lại của cả người dân lẫn khách du lịch ngày càng lớn, xe limousine, xe khách trá hình đang tăng mạnh tần suất hoạt động, đồng nghĩa với việc chồng chất thêm áp lực lên hạ tầng giao thông.
Bất cứ khu vực nào trong 12 quận nội thành cũng đều dễ dàng thấy các văn phòng đại diện, chi nhánh nhà xe mọc lên tua tủa. Những tuyến đường xung quanh một số bến xe lớn, bệnh viện, trường đại học… bị xe limousine liên tục quần thảo.
Không chỉ phương tiện gây rối loạn giao thông, mà văn phòng, chi nhánh của xe khách trá hình, xe quá cảnh cũng tạo nên những điểm đen nhức nhối về văn minh đô thị cho Hà Nội. Nhiều văn phòng xếp hàng hóa tràn ra vỉa hè, xe dừng đỗ trên lề đường sừng sững suốt ngày đêm. Có nơi vừa bị xử phạt như trên phố Trần Vỹ (quận Cầu Giấy), vài ngày sau lại ngang nhiên tái diễn vi phạm.
Thực tế gay gắt đó đang đặt ra câu hỏi lớn với TP Hà Nội là: làm thế nào để xử lý triệt để xe khách trá hình, xe limousine… cùng hệ thống chân rết văn phòng, chi nhánh đang gây xáo trộn không nhỏ cho đời sống và trật tự đô thị?
Có sự thờ ơ?
Hiện nay, có khá đông khách xe trá hình, xe quá cảnh, xe dù sử dụng phương tiện từ 16 chỗ trở xuống, nhỏ hơn để dễ luồn lách sâu trong nội thành hơn, lại không bị hạn chế về thời gian ra vào những khu vực có mật độ giao thông cao. Việc xử lý hàng nghìn chiếc xe như vậy mỗi ngày là một thách thức rất lớn với lực lượng chức năng.
Theo đại diện Đội CSGT số 6, những chiếc xe khách dưới 16 chỗ thường không dễ nhận biết đang hoạt động sai quy định. Ngay cả khi có kiểm tra việc vận chuyển cũng rất khó khẳng định vi phạm, do nhà xe thường sử dụng hợp đồng khống, còn hành khách dễ dàng hợp tác với họ để qua mặt CSGT.
Trong khi CSGT, Thanh tra GTVT liên tục phải căng sức tuần tra, đấu tranh rất vất vả với vi phạm, một số đơn vị, địa phương lại chưa vào cuộc đồng bộ. Đặc biệt là việc buông lỏng giám sát những văn phòng, chi nhánh đại diện nhà xe mà thực chất là các bến cóc trá hình.
Vậy nhưng rõ ràng là hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm về kinh doanh vận tải cũng như trật tự đô thị đối với những bến cóc trá hình nêu trên vẫn chưa rõ nét. Hậu quả là đầu mối vi phạm đang ngày càng đa dạng hơn, nhiều hơn và phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có thông tin nào về việc giám sát, xử phạt vi phạm về kinh doanh vận tải trên không gian mạng được công bố cho người dân biết và tạo nên hiệu ứng răn đe với các nhà xe cố tình lách luật, phạm luật. Hiện nay gần như 100% xe khách trá hình, xe quá cảnh, xe dù đang tung hoành tại Hà Nội đều tận dụng tối đa các phương thức chào mời, tìm kiếm khách qua internet.
Có nhà xe lập trang web, ghi rõ lộ trình chuyến đi hàng ngày, điểm đón, văn phòng; hoặc dùng mạng xã hội: Facebook, Zalo… để tự quảng bá và tiếp nhận đặt vé, đặt chỗ của khách. Mỗi nhà xe chắc chắn đều có ít nhất 1 số điện thoại tổng đài để khách liên hệ. Nhưng hành vi đó vừa vi phạm quy định về kinh doanh vận tải, vừa là hình thức thương mại điện tử “trốn thuế”.
Việc tìm kiếm và liên hệ với các nhà xe đối với hành khách là vô cùng dễ dàng. Vậy cơ quan chức năng có phát hiện ra, có giám sát và xử phạt hay không? Cần nhận thức rất rõ ràng, website, fanpage mạng xã hội, số điện thoại tổng đài… của các nhà xe vi phạm cũng chính là một loại bến cóc trên không gian mạng. Nó sinh ra những hệ lụy phức tạp không kém bến cóc trên đường phố.
Ngành GTVT, Công an đã vào cuộc, vậy còn các ngành: Tài chính, Thuế, Thông tin truyền thông, chính quyền các địa phương… đã thực sự vào cuộc hay chưa? Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng: “Nhìn vào những tồn tại đang là điều kiện để xe khách trá hình, xe dù, bến cóc nở rộ tràn lan có thể thấy sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ, hết sức cập kênh. Có nơi quyết liệt, có nơi lại thờ ơ!”.
Hà Nội cần quyết liệt kêu gọi các sở, ngành vào cuộc, xử phạt nghiêm khắc vi phạm, công khai thông tin để người dân được biết; đồng thời để răn đe, tuyên truyền cho các nhà xe cố tình lách luật, phạm luật phải chùn bước.
Dù chào mời khách dưới bất cứ hình thức nào, xe khách trá hình cũng cần có những đầu mối để nhận hàng, đón khách. Nếu siết chặt các đầu mối này, buộc phải hoạt động đúng theo quy định của luật, không được phép đón khách, nhận khách; tăng cường thêm quy định không cho nhận hàng thì chắc chắn sẽ dẹp được phần lớn bến cóc trá hình.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
Đăng thảo luận