Thay đổi chỉ tiêu và phương thức xét tuyển?
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, ngoài 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, học sinh sẽ lựa chọn 2 môn thi còn lại (trong số các môn được học ở lớp 12). Đi cùng thay đổi này, dự kiến cũng có nhiều điểm mới về phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển trong tuyển sinh đại học.
Tân sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNUThời điểm này, song song với học tập theo kế hoạch của các nhà trường, học sinh khối 12 đã bắt đầu tìm hiểu về công tác tuyển sinh đại học năm 2025. Câu hỏi được nhiều học sinh đặt ra nhất là: năm tới, phương thức xét tuyển sớm, trong đó có xét tuyển học bạ còn được áp dụng không? Chỉ tiêu giữa các phương thức sẽ như thế nào?
Sở dĩ nhiều học sinh thắc mắc về vấn đề này bởi từng có nhiều chuyên gia các trường đại học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thừa nhận điểm hạn chế của phương thức xét tuyển sớm, nhất là phương thức xét tuyển bằng học bạ. Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Bộ sẽ xem xét toàn diện, có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm 2025; sớm có dự thảo hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa, bảo đảm chất lượng, công bằng cho thí sinh.
Trong khi học sinh đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT thì một số trường đã công bố phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025. Theo đó, Trường Đại học Nha Trang sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập bậc THPT và kết quả đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Về phương thức tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, năm tới trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển; đồng thời sử dụng các phương thức khác, như: xét tuyển thẳng và ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét học bạ, xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2025 trường giữ ổn định 3 phương thức như năm trước, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 15% (giảm 3% so với năm 2024 và 10% so với năm 2022). Ngoài ra, nhà trường cũng thông báo sẽ chỉ áp dụng 4 tổ hợp xét tuyển gồm A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh); không sử dụng các tổ hợp từng được nhà trường duy trì từ năm 2024 trở về trước.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, nhà trường duy trì 3 phương thức xét tuyển năm 2025 như năm 2024, tuy nhiên dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 50% như năm 2024 xuống còn 40%; tăng chỉ tiêu ở các phương thức còn lại.
Cần sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025
Trong khi đó, nhiều trường đại học vẫn đang chờ thông tin cụ thể từ Bộ GD&ĐT mới xây dựng đề án tuyển sinh 2025. Theo TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, trường đang chờ thông tin từ Bộ GD&ĐT bởi có ý kiến cho rằng có thể sẽ dừng áp dụng phương thức tuyển sinh sớm.
Phương thức tuyển sinh năm 2025 có gì thay đổi?TS Nguyễn Trung Nhân - Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: việc xét tuyển sớm mang lại nhiều cơ hội trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất cho thí sinh. Tuy vậy, vài năm qua, nhiều trường công bố kết quả xét tuyển sớm trước khi thi tốt nghiệp THPT; điều này khiến nhiều thí sinh không còn tập trung cao cho kỳ thi này. Năm nay, Bộ GD&ĐT có thể quy định công bố kết quả xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp THPT.
Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung trong công tác tuyển sinh thời gian tới; đồng thời đề nghị các cơ sở đào tạo sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025 để học sinh chủ động và có kế hoạch kỹ lưỡng.
“Em mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh chính thức để chúng em biết rõ hơn về phương thức, chỉ tiêu cũng như các điều kiện cụ thể và cả tiêu chí phụ (nếu có), từ đó chủ động chuẩn bị để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của từng trường” - Nguyễn Mai Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Hà Đông cho biết.
Nhiều học sinh cũng băn khoăn, ngoài Trường Đại học Kinh tế quốc dân, có nhiều trường đại học điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển so với những năm trước hay không? Nêu ý kiến về vấn đề này, thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo (Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cho rằng, học sinh không nên lo lắng bởi mọi điều chỉnh (nếu có) sẽ không ngoài chương trình học và thi.
"Tổ hợp xét tuyển tùy thuộc vào từng trường. Đơn cử, tại Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, phương thức tuyển sinh năm 2025 không khác nhiều so với năm 2024. Để thuận lợi hơn cho thí sinh, nhà trường dự kiến đưa ra nhiều tổ hợp hơn theo chương trình mới, tùy thuộc lựa chọn của học sinh" - thạc sĩ Lê Văn Hiển chia sẻ.
Tại văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục khẩn trương hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi; khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
Đăng thảo luận