Sinh viên có thể học cử nhân ngành kinh doanh và khoa học mỗi trường, đồng thời, tham gia các hoạt động tình nguyện để trở thành chuyên gia phát triển bền vững.
Chuyên gia phát triển bền vững (sustainability specialist) cũng là một trong 10 nghề phát triển nhanh nhất trong giai đoạn từ 2023 đến 2027, theo Báo cáo Tương lai việc làm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Làm việc như một chuyên gia bền vững cho phép người lao động phát triển các giao thức cho một công ty bền vững hơn và có ý thức về môi trường. Đây là một lĩnh vực quan trọng và là cơ hội tốt cho các cá nhân quan tâm đến lĩnh vực thân thiện với môi trường.
Người làm công việc này cần có chuyên môn về các hoạt động bền vững, làm việc với một hoặc nhiều tổ chức để phân tích các hành vi và cung cấp tùy chọn để giảm tác động sinh thái của công ty. Tạo ra các sáng kiến bền vững trong một tổ chức có thể giúp đơn vị vận hành hiệu quả hơn và tạo ra một hình ảnh công chúng tích cực.
Các chuyên gia phát triển bền vững thường làm nhiệm vụ đề xuất, tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp hướng đến môi trường. Ảnh minh họa: Pexels
Một chuyên gia lĩnh vực này thường có những trách nhiệm đa dạng để thực hiện các sáng kiến bền vững của họ. Các nhiệm vụ phổ biến cho người làm nghề bao gồm: phân tích hoạt động để xác định các lĩnh vực cải thiện tính bền vững; đề xuất thay đổi các thủ tục để thực hiện các thực hành bền vững mới; tạo tài liệu giải thích các sáng kiến bền vững để nhân viên tham khảo khi tìm hiểu về những thay đổi hoặc khi có câu hỏi trong quá trình thực hiện; giám sát việc thực hiện các chính sách mới để đảm bảo nhân viên thực hiện đúng...
Vậy, để trở thành một chuyên gia phát triển bền vững, các bạn trẻ nên thực hiện theo các bước sau:
Kiếm bằng cử nhân
Bằng cử nhân là bước điển hình cho một chuyên gia phát triển bền vững. Các lĩnh vực nghiên cứu phổ biến cho vai trò này bao gồm kinh doanh hoặc khoa học môi trường. Người trẻ có thể xem xét một chuyên ngành kép, bao gồm cả trọng tâm kinh doanh và sinh thái. Phương pháp này cung cấp cho sinh viên giáo dục và kinh nghiệm xung quanh hai thành phần chính của vai trò với một chuyên gia phát triển bền vững.
Xem xét bằng cấp cao hơn
Bởi vì công việc của chuyên gia về phát triển bền vững thường bao gồm tư vấn hoặc đưa ra đề xuất tái cơ cấu trong một tổ chức. Do đó, người sử dụng lao động có thể phân loại công việc này là cấp trung hoặc cấp cao. Khi tìm kiếm các vị trí cao hơn, việc sở hữu bằng cấp cao mang lại lợi thế cho nhân sự.
Nếu học chuyên ngành kinh doanh hoặc khoa học môi trường, việc lấy bằng thạc sĩ trong lĩnh vực khác có thể có ích để cung cấp nền giáo dục chính quy, làm đẹp hồ sơ công việc của mình.
Tìm kiếm công việc entry-level
Entry-level là vị trí công việc không hoặc ít đòi hỏi kinh nghiệm. Mặc dù bằng cấp cao có thể cho phép nhân sự tìm kiếm vị trí chuyên gia về tính bền vững ngay sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng trước tiên các bạn trẻ cũng có thể chọn tìm kiếm một vị trí entry-level ở công ty.
Công việc ở cấp độ này cho phép nhân sự trẻ xây dựng kinh nghiệm kinh doanh và mở rộng mạng lưới quan hệ kết nối chuyên môn của mình. Những điều này có thể có lợi khi tìm kiếm sự thăng tiến lên vai trò chuyên gia về bền vững. Sinh viên mới ra trường cũng có thể sử dụng thời gian làm việc tại công ty để yêu cầu làm thêm công việc liên quan đến tính bền vững nhằm tích lũy kinh nghiệm ứng dụng.
Theo đuổi các cơ hội tình nguyện
Một cách để tích lũy kinh nghiệm làm việc với các sáng kiến bền vững là tìm kiếm cơ hội tình nguyện với các tổ chức từ thiện có ý thức về môi trường. Công việc này có thể cung cấp cho các bạn trẻ kinh nghiệm trực tiếp và cơ hội giáo dục trong lĩnh vực môi trường. Qua đây, tình nguyện viên cũng có thể gặp gỡ các chuyên gia môi trường khác và quan sát cách hoạt động trong lĩnh vực này, từ đó, điều chỉnh cách làm hiệu quả.
Hoạt động tình nguyện là cách hữu ích để nhân sự trẻ tạo dựng mạng lưới quan hệ, tích lũy kinh nghiệm để trở thành chuyên gia phát triển bền vững. Ảnh minh họa: Pexels
Xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp
Khi bắt đầu các hoạt động nghề nghiệp và tình nguyện, việc xây dựng mạng lưới quan hệ là điều rất quan trọng. Những người trong mạng lưới có thể giúp nhân sự trẻ xác định cơ hội hoặc trực tiếp giới thiệu công việc. Đồng nghiệp và những thành viên có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực cũng có thể là nguồn lực quý giá trong công việc sau này. Khi đối mặt với một thử thách hoặc tình huống không quen thuộc, đồng nghiệp có thể đưa ra lời khuyên và kiến thức chuyên môn để giúp nhân sự trẻ.
Khởi xướng các kế hoạch phát triển bền vững
Khi tìm kiếm vị trí chuyên gia về phát triển bền vững, việc có kinh nghiệm trước đây để tham chiếu trong hồ sơ có thể tạo lợi thế cho ứng viên. Một cách để xây dựng kinh nghiệm về tính bền vững là đưa ra đề xuất những cách nhỏ để công ty có thể phát triển bền vững hơn. Nếu đơn vị áp dụng những thay đổi theo đề xuất hoặc cho phép tham gia lập kế hoạch cho những thay đổi, nhân sự có thể đưa vào hồ sơ của mình khi ứng tuyển vào vị trí chuyên gia về phát triển bền vững sau này.
Lương chuyên gia bền vững
Mức lương của chuyên gia về tính bền vững phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm kinh nghiệm, địa điểm và quy mô của công ty. Các chuyên gia về phát triển bền vững thường làm việc toàn thời gian trong giờ làm việc bình thường. Theo nghiên cứu về lương của Indeed, thu nhập trung bình của một chuyên gia về phát triển bền vững tại Mỹ là 71.345 USD mỗi năm.
Để theo đuổi công việc và yêu cầu mức lương phù hợp, nhân sự cần trau dồi các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề, nghiên cứu và làm việc theo nhóm. Theo đó, các bạn trẻ nên đa dạng hóa trải nghiệm cá nhân, giữ vững đam mê và cập nhật thông tin liên tục trong thời đại thế giới đang thay đổi nhanh chóng, bất định (VUCA).
Nhật Lệ (theo WEF, Indeed)
Đăng thảo luận