Kỳ vọng phim sử dụng ngân sách Nhà nước  第1张 Hình ảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Ảnh: Nhà sản xuất

“Mưa đỏ” được hứa hẹn là tác phẩm được đầu tư mạnh tay, Điện ảnh Quân đội cho xây dựng phim trường hơn 40ha ở Quảng Trị để tái hiện cuộc chiến khốc liệt ở thành cổ năm 1972. Phim dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 9/2025 nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cách đây 10 năm, năm 2015, Điện ảnh Quân đội từng cho sản xuất phim điện ảnh chiến tranh “Người trở về” cũng ra mắt trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sau đó phát hành miễn phí tại một số cụm rạp thương mại.

Câu chuyện phát hành phim ở các dự án được cấp ngân sách từ nhà nước, hay còn gọi là “phim kỷ niệm” vốn đã được bàn đến trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện này tiếp tục gây tranh cãi khi chưa thể tìm thấy lối ra, và không thể có được hồi kết sau nhiều thập kỷ tranh luận.

Mới đây, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành một lần nữa đưa ra đề xuất cần có quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành, phổ biến phim Nhà nước, để phim đến được với đông đảo khán giả.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về chủ đề này, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng dùng từ “lỗi thời”, “lạc hậu” để nói về việc, phim Nhà nước đặt hàng không được phát hành tại các rạp thương mại, chỉ chiếu vào các dịp lễ tết rồi cất kho.

“Đào, phở và piano” sau khi phát hành tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, mới đây được chiếu lại trên truyền hình để phục vụ đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Một bộ phim điện ảnh được chiếu miễn phí trên truyền hình - vốn là một nghịch cảnh.

Giới làm phim gọi đây là sự lãng phí. Sự lãng phí này đã kéo dài nhiều thập kỷ và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Hệ lụy lớn nhất của điện ảnh bao cấp, của những bộ phim đặt hàng chỉ chiếu vài ngày rồi cất kho đã khiến Hãng phim truyện Việt Nam điêu đứng trong thời gian dài và gần như suy sụp cho đến nay.

Kể từ trước khi “sống mòn” vì cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam đã tồn tại “dặt dẹo” vì nợ thuế đất, thua lỗ và không có tiền chi trả cho người lao động. Đến khi cổ phần hóa, rơi vào tay VIVASO, Hãng phim truyện Việt Nam được định giá thương hiệu bằng 0 đồng, vì suốt nhiều năm không có lãi.

Việc làm phim đặt hàng không cần chịu trách nhiệm về doanh thu đã khiến cả một thế hệ các nhà làm phim ở nhiều hãng phim Nhà nước “bó tay” trước thời cuộc, khi thị trường phim đã thay đổi chóng mặt.

Kể từ khi các hãng phim Nhà nước “vật vã” trong thua lỗ và cổ phần hóa, sự vận hành của thị trường phim đã biến động khôn lường.

Thị hiếu khán giả thay đổi theo thời gian.

Từ khi phim hài nhảm tạo cơn sốt bán vé, đến sự vào cuộc của các đạo diễn Việt kiều như Charlie Nguyễn, Victor Vũ... hay gần nhất là sự bùng nổ của các nền tảng chiếu phim trực tuyến, khán giả đã có sự thay đổi lớn về “gu” xem phim.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, “khán giả đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Họ ngày càng khó tính hơn. Một dự án phim ra rạp để đạt được doanh thu trăm tỉ phải cần đến rất nhiều yếu tố”.

Khi thị trường, thị hiếu đang thay đổi chóng mặt, việc cần một cơ chế pháp lý về phát hành, phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng càng đặt ra cấp thiết, bởi càng kéo dài thời gian, nguy cơ các nhà làm phim “thụt lùi” so với thị trường, thị hiếu càng rõ rệt.

Cho đến nay, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vẫn là dự án duy nhất hợp tác giữa tư nhân và Nhà nước, do tư nhân phát hành, đã thu được “doanh thu khủng” khi ra rạp. Phim được công bố kinh phí là 20 tỷ đồng và đạt doanh thu 78 tỷ đồng, từng lập kỳ tích bán vé khi công chiếu.

 

“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang là dự án phim chiến tranh, lịch sử được tư nhân đầu tư sản xuất, phát hành dịp 30/4 năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam. Tác phẩm sẽ cho thấy sự khác biệt lớn giữa phim chiến tranh do Nhà nước đặt hàng và do tư nhân sản xuất.