TP HCM đang sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai miễn phí của doanh nghiệp nên có thể bị ngưng cung cấp bất kỳ lúc nào, nguy cơ hồ sơ nhà đất bị ùn ứ.
Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM và 22 chi nhánh các quận, huyện đang sử dụng hệ thống thông tin đất đai VBDLIS (Vietnam Land Database and Land Information System) của Viettel để tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên quan.
Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015-2023, UBND TP HCM cho biết hệ thống quản lý đất đai VBDLIS đã bị dừng gần 5 ngày trong tháng 6, cụ thể từ 7h30 ngày 6/6 đến 12h ngày 10/6.
Trong thời gian này, hệ thống phần mềm chuyên ngành VBDLIS đã tạm dừng cung cấp dịch vụ kết nối, dẫn đến toàn bộ hồ sơ đất đai trên hệ thống của Văn phòng Đăng ký đất đai bị dừng hoàn toàn, từ khâu tiếp nhận, đồng bộ dữ liệu dịch vụ công, xử lý hồ sơ đất đai, cập nhật quản lý hồ sơ quét, sổ địa chính điện tử. Các dịch vụ kết nối chia sẻ thông tin trong liên thông thuế điện tử và công chứng... cũng bị ngưng, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình xử lý hồ sơ đất đai.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 12, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, mỗi ngày thành phố tiếp nhận, xử lý gần 2.000 hồ sơ qua hệ thống VBDLIS. Hạ tầng này đang được TP HCM dùng miễn phí do Viettel cung cấp theo Dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" (Vietnam Land Administration and Database Project - VILG) do Chính phủ thực hiện từ năm 2017, World Bank tài trợ. Dự án đã kết thúc cách đây hai năm.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết khi dự án kết thúc, tức không còn nguồn tài trợ doanh nghiệp không thể vận hành miễn phí mãi được. Do đang cung cấp miễn phí, Viettel có quyền ngưng bất kỳ lúc nào. TP HCM là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng.
Theo ông Thanh, TP HCM đã đề nghị Viettel hỗ trợ mở lại dịch vụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ đồng ý cung cấp một số ngày trong tuần.
Để tháo gỡ, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho biết đã giao các sở ngành triển khai quy trình, thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng hạng mục thuê phần mềm và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thành phố. Dự kiến việc này hoàn thành trước ngày 30/8.
Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất thành phố chấp thuận chủ trương thuê dịch vụ "Phần mềm và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai TP HCM", kinh phí dự kiến hơn 69 tỷ đồng cho 3 năm, từ 2024 đến 2027.
Tất cả hoạt động nghiệp vụ như vận hành, cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu địa chính (đồng bộ dữ liệu dịch vụ công; lập và ký số sổ địa chính; cập nhật quản lý hồ sơ quét; liên thông thuế điện tử; rà soát, cập nhật, khai thác dữ liệu ngăn chặn tập trung...); quản lý quy trình xử lý hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận, hồ sơ duyệt bản vẽ nội nghiệp; thống kê báo cáo tháng, quý, năm, thống kê đất đai... đều thông qua hệ thống VBDLIS.
Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin cơ quan thuế, hành chính công, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ đất đai, cán bộ chỉ cần nhập thông tin một lần cho đến khi trả kết quả, giúp giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đất đai thời gian qua.
Ngoài TP HCM, hệ thống thông tin đất đai VBDLIS được Viettel duy trì vận hành miễn phí cho khoảng 36 tỉnh thành trong đó có 28 địa phương thuộc dự án VILG và 8 tỉnh ngoài dự án. Ở một số địa phương, 100% thủ tục hành chính về đất đai đều thông qua hệ thống này tuy nhiên khi hết thời gian thí điểm dự án các tỉnh không ký hợp đồng để trả phí. Hiện tại, doanh nghiệp chỉ cung cấp một số ngày trong tuần, điều này khiến hồ sơ đất đai trên môi trường số có nguy cơ bị ùn ứ.
Lê Tuyết
Đăng thảo luận