Với tư cách là thành viên Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng nhân quyền thế giới, Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền của người khuyết tật.
"Hiện thực hoá quyền" cho người khuyết tật
Nếu như trước đây, quyền của người khuyết tật chỉ được quan tâm ở mức độ bảo đảm cho họ có được mức sống tối thiểu và được chăm sóc về y tế, thì hiện nay, trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn, việc chăm lo đến quyền của người khuyết tật chính là việc phải tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được bình đẳng các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội.
Việc chăm sóc đến quyền lợi của người khuyết tật ngày nay có thể kể đến: Quyền được tham gia giao thông của người khuyết tật, khả năng tiếp cận với các công trình công cộng của người khuyết tật thông qua việc xây dựng các phương tiện, công trình hỗ trợ cho họ, đặc biệt là tại trụ sở của các cơ quan nhà nước, các địa điểm vui chơi công cộng, nhà ga, sân bay, trạm chờ xe bus hay các điểm vệ sinh công cộng…
Việc Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật năm 2007 là một cơ sở pháp lý vững chắc để các nước tiến hành các chương trình, dự án liên quan đến việc tăng cường và củng cố quyền của người khuyết tật trên phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tại cuộc họp cấp cao liên chính phủ các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các chính phủ đã thông qua Tuyên bố cấp bộ trưởng về Thập kỷ của người khuyết tật châu Á và Thái Bình Dương (2013 - 2022) và Chiến lược Incheon "Hiện thực hoá quyền" cho người khuyết tật ở châu Á và Thái Bình Dương.
Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc họp ở Geneva tháng 6/2014 cũng đã thông qua Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam, trong đó vấn đề bảo đảm quyền của người khuyết tật là nội dung hết sức quan trọng và Việt Nam cam kết sớm phê chuẩn để trở thành thành viên chính thức của Công ước về quyền của người khuyết tật.
Tuy vậy, phê chuẩn Công ước, hài hòa hóa pháp luật quốc gia với Công ước cũng mới chỉ là bước khởi đầu cho cả quá trình “hiện thực hoá các quyền của người khuyết tật” như tinh thần mục tiêu tổng thể đã được đề ra trong Chiến lược Incheon nêu trên. Điều này liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước của các quốc gia thành viên, trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật người khuyết tật của Nhà nước cũng như việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của cộng đồng xã hội, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và mỗi cá nhân.
Thuận lợi lớn nhất là dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, thương yêu đùm bọc, trợ giúp, nâng đỡ người khuyết tật. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo phát triển các quyền con người nói chung, trong đó có quyền của người khuyết tật. Hiến pháp mới đặt cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho sự nghiệp bảo đảm và phát triển các quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền của người khuyết tật.
Với tư cách là thành viên Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng nhân quyền thế giới, Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền của người khuyết tật. Công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật vươn lên hoà nhập cuộc sống cộng đồng trong thời gian qua ở Việt Nam đã thu được nhiều kết quả khả quan, cuộc sống của nhiều người khuyết tật đã được cải thiện…
Người khuyết tật là nhóm đối tượng xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm
Ở Việt Nam, người khuyết tật là một trong những nhóm đối tượng xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển.
Cô bé Lê Thị ThắmCùng với việc phát triển của kinh tế và xã hội, hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và cộng đồng quốc tế, các chính sách về người khuyết tật đã dần được quan tâm, cập nhật và điều chỉnh tốt hơn.
Trong đó, chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật tiếp tục được hoàn thiện hơn, dù còn nhiều điểm cần bàn thêm về nội dung, cũng như có nhiều thách thức khi áp dụng trong thực tế. Mặt khác, cách tiếp cận từ góc độ nhân đạo, chứ chưa phải tiếp cận dựa trên quyền, vẫn đang còn ảnh hưởng nổi trội.
Theo Luật Người khuyết tật năm 2010 (thay thế cho Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998), chính sách của Nhà nước về người khuyết tật bao gồm “trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi” (Điều 5). Luật cũng bao gồm một chương riêng về giáo dục (Điều 27 đến 31).
Có thể thấy, Việt Nam đã có những bước tiến trong việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế và pháp lý (gia nhập CRPD, thành lập Ủy ban ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam...) để bảo vệ các quyền của người khuyết tật, trong đó có quyền giáo dục. Tuy nhiên, một số rào cản liên quan đến tiếp cận trường học, tiếp cận phương tiện học tập vẫn còn hiện diện, hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chưa có được nhiều nguồn lực từ Nhà nước và xã hội.
Việc thúc đẩy quyền giáo dục của người khuyết tật đòi hỏi những hành động làm giảm thiểu các rào cản, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cũng như tạo thuận lợi cho các thành phần xã hội, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo tham gia thành lập, điều hành các trung tâm này, cũng như bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo khác của các giáo hội và cộng đồng.
Đăng thảo luận