Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chia sẻ với báo chí khi nói về việc điều chỉnh bảng giá đất.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng điều chỉnh bảng giá giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá đất trong bảng giá đất với mặt bằng giá đất trên thực tế - Ảnh: NGỌC HIỂN
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất để phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương theo quy định tại khoản 1 điều 257 Luật Đất đai 2024 là cần thiết. Song trong quá trình thực hiện phải có lộ trình phù hợp, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất…
Vì sao phải điều chỉnh bảng giá đất?
Theo thứ trưởng Lê Minh Ngân, nếu các địa phương không điều chỉnh kịp thời, bảng giá đất sẽ có chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thi hành Luật Đất đai năm 2024 sẽ gặp vướng mắc.
Trường hợp bảng giá đất điều chỉnh có sự thay đổi lớn, tăng cao đột biến, chênh lệch rất lớn so với giá đất bảng giá đất hiện hành sẽ dẫn đến phản ứng của các đối tượng chịu tác động như người dân, doanh nghiệp sử dụng đất.
Nhất là khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp áp dụng bảng giá đất quy định tại khoản 1 điều 159 Luật Đất đai 2024 như khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tính tiền thuê đất hằng năm… do số tiền mà người dân, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ tăng cao đột biến so với khi áp dụng bảng giá đất hiện hành.
Ngày 10-9, Bộ Tài nguyên và Môi trường họp về vướng mắc bảng giá đất của TP.HCM
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất sửa bảng giá đất cần đảm bảo công bằng cho người dân
Theo ông Ngân, trường hợp không chỉnh bảng giá đất mà dùng bảng giá đất hiện hành làm giá khởi điểm để đấu giá đối với thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì sẽ chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá đất thực tế.
Giá đất trong kết quả đấu giá cũng chênh lệch rất lớn so với giá khởi điểm, tạo nên sự đột biến, bất thường.
Mặt khác, do bảng giá đất không được điều chỉnh nên đây là mức giá quá thấp so với thực tế nên có thể gây thất thu ngân sách.
Ông Ngân cho rằng không kịp thời điều chỉnh bảng giá đất hay điều chỉnh bảng giá đất tăng ở mức cao đột biến đều dẫn đến các phản ứng trái chiều, thiếu đồng thuận trong dư luận xã hội. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cần lộ trình phù hợp
Theo thứ trưởng Lê Minh Ngân, việc rà soát, điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết, cơ hội để các địa phương thu hẹp khoảng cách giữa giá đất trong bảng giá đất hiện tại với mặt bằng giá đất trên thực tế. Đồng thời, từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 để áp dụng từ 2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến.
Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của UBND cấp tỉnh được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay và có nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt quy định này.
Do đó, với các địa phương điều chỉnh bảng giá đất đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đã đảm bảo giá đất trong bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng thực tế, việc áp dụng khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 không vướng mắc.
Ông Ngân đánh giá khi xây dựng bảng giá đất, nếu cơ quan tham mưu chưa có khảo sát toàn diện, đầy đủ và đánh giá các tác động, chưa có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương khi đưa ra dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, có sự chênh lệch rất lớn so với bảng giá đất hiện hành.
Trong quá trình điều chỉnh bảng giá đất, cần phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành, xem xét giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương.
Đồng thời, phải đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng áp dụng, có lộ trình phù hợp, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ.
Hạn chế việc chênh lệch quá lớn về nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình, thiếu đồng thuận trong xã hội.
Người dân mong muốn sỡm gỡ điểm nghẽn bảng giá đất
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết đơn vị này đã tiếp thu các góp ý để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn TP theo Luật Đất đai 2024.
Hiện sở đang điều chỉnh giá đất và bảng giá đất mới này sẽ được Hội đồng thẩm định Bảng giá đất TP.HCM xem xét, thẩm định theo trình tự.
Hiện nay, do TP.HCM đang dự thảo bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1-8 nên nhiều thủ tục liên quan đến đất đai đang tắc nghẽn, thậm chí các thủ tục tính thuế mua bán chung cư cũng tạm ngưng.
Nhiều người dân chia sẻ với Tuổi Trẻ Online việc ách tắc trong khâu tính thuế đã khiến người dân ảnh hưởng nghiêm trọng, các giao dịch bất động sản ngưng trệ.
Theo Cục Thuế TP.HCM, chỉ từ ngày 1-8 đến 27-8, nơi này đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ, trong đó có 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, có 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính.
Do đó, đơn vị kiến nghị sớm ban hành bảng giá đất để kịp thời tính nghĩa vụ tài chính đất đai với các hồ sơ sau 1-8.
Liên quan đến vướng mắc về bảng giá đất, ngày 10-9, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì cuộc họp xử lý vướng mắc về bảng giá đất của TP.HCM.
Đăng thảo luận