Sau 7 năm kết hôn, Hansen và vợ Momo đang chăm sóc 6 "đứa nhỏ" trong căn hộ ở trung tâm Bắc Kinh.
Những "em bé" này không phải con của Hansen (36 tuổi) và Momo (35 tuổi) mà là chó cưng. Họ yêu chúng đến mức coi như con đẻ.
"Chúng tôi là một gia đình", Momo nói. Cô cũng cho biết mỗi ngày sẽ đưa thú cưng đi dạo, chơi ném đĩa trước khi nấu ăn.
Sau khi bãi bỏ chính sách một con vào năm 2016 chính phủ Trung Quốc mong muốn các cặp vợ chồng sinh ba con. Nhưng nhiều địa phương, trong đó có Bắc Kinh đã không thành công trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh. Thậm chí thành phố này đang phải vật lộn với tình trạng già hóa dân số và lực lượng lao động sụt giảm mạnh.
Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc như Hansen và Momo không muốn sinh con. Thay vào đó họ nuôi thú cưng.
Hansen và vợ Momo sống với 6 con chó trong căn hộ Bắc Kinh. Ảnh: Justin Robertson/CNN
Báo cáo nghiên cứu tháng 7/2024 của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), dự kiến đến cuối năm nay, số thú cưng ở các thành phố của Trung Quốc sẽ nhiều hơn nhóm trẻ nhỏ dưới 4 tuổi. Đến năm 2030, tỷ lệ này là gấp đôi.
Kết quả nghiên cứu của Goldman Sachs phản ánh những thay đổi của một thế hệ không còn tuân theo quan điểm truyền thống rằng hôn nhân là để sinh con và nối dõi tông đường. Dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên vào năm 2022 kể từ nạn đói năm 1961. Một năm sau, nước này bị Ấn Độ vượt mặt để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Goldman nhận thấy thức ăn cho vật nuôi là một trong những ngành tiêu dùng phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc. Doanh số tăng trung bình 16% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2023 đã tạo ra ngành công nghiệp trị giá 7 tỷ USD và dự kiến lên 12 tỷ USD vào năm 2030. Đây là một bước tiến xa so với hai thập kỷ trước khi việc nuôi chó, mèo vẫn được coi là thú vui của giai cấp tư sản hoặc nuôi để trông nhà.
Dự đoán của Golmand Sachs về trẻ sơ sinh cũng không mấy lạc quan. Báo cáo dự kiến số ca sinh mới ở Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ trung bình hàng năm là 4,2% trong giai đoạn năm 2022 đến năm 2030, do sự suy giảm của phụ nữ trong nhóm tuổi 20-35 và tâm lý ngại sinh con của người trẻ tuổi.
Bên cạnh đó nhiều cặp đôi ở Trung Quốc cũng thấy khó khăn khi phải đối mặt với chi phí nuôi con ngày càng tăng trong thời buổi kinh tế bất ổn. Quốc gia này cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại từ tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên đến cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu dân số Yuwa có trụ sở tại Bắc Kinh đầu năm 2024 cũng chỉ ra Trung Quốc một trong những nơi có chi phí nuôi dạy trẻ em tốn kém nhất thế giới, vượt qua cả Australia và Pháp.
Giới chức nước này đang đưa ra nhiều ưu đãi, từ tiền mặt đến kéo dài chế độ nghỉ phép để thúc đẩy việc làm cha mẹ nhưng không hiệu quả. Năm 2023, dân số Trung Quốc giảm xuống còn 1,4 tỷ người. Tỷ lệ sinh cũng giảm xuống còn 6,39 ca sinh trên 1.000 người.
Những chú chó của Hansen và Momo được đặt trên xe đẩy để đi dạo ở Bắc Kinh. Ảnh: Justin Robertson/CNN
Tao là quản lý một nhà nghỉ dành cho chó ở Bắc Kinh. Đối với người phụ nữ 38 tuổi sở thích nuôi thú cưng đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh tốt khi nhiều người sẵn sàng chi bộn tiền cho vật nuôi.
Tao và chồng cũng nuôi hai chú cún và không có ý định sinh con. Cô cho biết gia đình từng gây áp lực để sinh con nhưng đó không phải cuộc sống bản thân mong muốn.
"Tôi và bạn đời sẽ đi du lịch và khám phá thế giới. Vì vậy ý tưởng sinh con không đủ hấp dẫn đối với tôi", cô nói.
Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết việc sinh con và nuôi thú cưng không loại trừ lẫn nhau ở Trung Quốc. Nhưng người trẻ đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ tình trạng thất nghiệp đến từ áp lực xã hội, chẳng hạn như giờ làm việc dài và nguy cơ phụ nữ phải từ bỏ sự nghiệp sau khi sinh con.
"Nếu bạn ngoài 20 tuổi, đang ở Trung Quốc và có nhu cầu nuôi dưỡng thì chăm sóc chó, mèo hoặc thỏ có thể dễ dàng hơn việc tìm người để kết hôn và sinh con", ông Gietel-Basten nói.
Minh Phương (Theo CNN)
Đăng thảo luận