Đêm nghe gió rít chỉ sợ nhà sập
Trong căn nhà trống huếch trống hoác nơi cuối xóm, chị Hoàng Thị Diễm (SN 1986, thôn Làng Chẹo, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đang lọ mọ chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà. Nhìn mâm cơm chỉ là rau luộc cùng tô cơm trắng, chị Diễm rưng rưng nước mắt, khóc thương cho cuộc sống khốn khó của gia đình mình.
Nghĩ đến hoàn cảnh éo le, túng thiếu đủ thứ của gia đình, chị Diễm không cầm nổi những giọt nước mắt.
Chị Diễm cho biết, bao năm qua, cái vòng luẩn quẩn ốm đau và nghèo đói cứ bám lấy gia đình chị. Con trai lớn của chị là em Trần Trọng An (SN 2007) vì ngày bé sinh non mà bây giờ 17 tuổi nhưng chỉ được 32kg, gầy yếu hơn hẳn so với các bạn đồng trang lứa. Còn em Trần Trọng Phát (SN 2012) - con trai thứ hai lại bị thiếu máu, tiền thuốc men điều trị hàng tháng gần 3 triệu đồng.
Không chỉ hai con sức khoẻ yếu ớt, bản thân chị Diễm cũng bị tiền đình, thường xuyên đau đầu, nên chỉ ở nhà quanh quẩn với mấy con gà cùng vài thước ruộng. Chồng chị bị dạ dày, mỗi tháng tiêu tốn hơn 2 triệu tiền thuốc. Năm ngoái, anh lại gặp tai nạn lao động, bị gãy tay trái, không thể làm được việc nặng. Nhưng vì trọng trách là trụ cột gia đình, anh Hải vẫn phải gắng gượng đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống, chăm lo cho vợ con.
Nhìn chồng gồng gánh vì cả nhà, chị Diễm không khỏi xót xa: “Từ ngày gãy tay, chồng tôi gần như không thể làm việc nặng. Dù tay yếu, anh ấy cũng chẳng dám nghỉ. Thời gian trước, anh vì lao động quá sức mà xương tay bị rạn. Biết chồng vất vả, tôi thương lắm, nhưng cũng chẳng biết phải làm như nào”. Nói rồi chị vội quay đi, giấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên má.
Thu nhập ngày có ngày không, lo bữa ăn hàng ngày đã khó, nên căn nhà nhỏ của anh chị dù tuềnh toàng, rách nát, nắng chiếu đầu, mưa dột tứ tung vẫn chưa thể sửa. Hiện tại, gia đình chị Diễm vẫn đang tá túc trong căn nhà tạm được bố mẹ chồng dựng cho từ năm 2016. Nhìn nhà cửa xiêu vẹo, chị Diễm ngổn ngang lo lắng không biết căn nhà còn chống chọi được bao nhiêu mùa mưa bão.
Căn nhà xiêu vẹo, buồng ngủ được chắp vá bằng những tấm bạt cũ kỹ là nơi ở của gia đình chị Diễm suốt 8 năm qua.
Ngồi bệt xuống, nhìn xa xăm, đôi mắt chị đỏ hoe: “Nhà cửa như này, mưa bão cả nhà không ai dám ngủ. Nằm nghe gió rít chỉ sợ nhà sập. Tôi chỉ mong có được căn nhà kiên cố để hàng đêm không phải nơm nớp lo sợ. Có được nơi ăn chốn ở đàng hoàng, các con tôi cũng yên tâm học hành”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt về hoàn cảnh gia đình chị Hoàng Thị Diễm, ông Nguyễn Văn Chi - Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: “Gia đình chị Diễm thuộc hộ nghèo của địa phương. Chồng chị năm ngoái bị gãy tay, giờ không thể làm việc nặng. Chị Diễm lại bị tiền đình, thường xuyên đau đầu. Hai cậu con trai của chị sức khỏe đều yếu ớt. Cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Địa phương cũng rất quan tâm hỗ trợ nhưng không đủ. Rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình chị sớm có được một căn nhà kiên cố”.
Những tia hy vọng giữa bóng tối của đói nghèo
Vượt lên những thiếu thốn về vật chất trong gia đình, hai anh em An và Phát suốt bao năm cắp sách đến trường đều được công nhận là những học sinh chăm ngoan, có thành tích học tập và rèn luyện rất tốt.
Là anh cả, An vẫn luôn là tấm gương sáng để em noi theo. Nhiều năm liền, An đều học lớp chọn của khối tự nhiên. Tối đến, ngoài việc ôn lại bài cũ, An đều dành thời gian kèm cặp, giảng bài cho em.
Dành lời khen cho cậu học trò luôn nỗ lực hết mình, cô Nguyễn Thị Ngân - Giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Lương Bằng giọng đầy tự hào: “An là một học sinh chăm ngoan, có ý thức tự học rất tốt. Các môn tự nhiên em tiếp thu rất nhanh. Tuy gia cảnh khó khăn, nhưng em luôn biết phấn đấu trong học tập, xứng đáng là tấm gương nghèo vượt khó”.
Những tấm giấy khen quý giá xếp ngay ngắn trên tủ chính là món quà vô giá mà hai anh em dành tặng bố mẹ.
Không chỉ là cậu học trò giỏi, An còn là người con rất hiếu thảo. Thương bố mẹ dãi nắng dầm mưa, ngay sau khi kết thúc năm học lớp 11, tranh thủ mấy tháng nghỉ hè, An xuống Hà Nội làm thêm để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Ở cái tuổi lẽ ra chỉ việc cắp sách đến trường, nhưng vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều thiếu thốn, An đã phải trưởng thành hơn rất nhiều so với các bạn đồng trang lứa.
“Nhà em nghèo nên em tranh thủ mấy tháng hè đi làm kiếm tiền mua sách vở, đồ dùng học tập để đỡ đần bố mẹ. Bố mẹ đều ốm đau nên em mong phần nào vơi bớt gánh nặng tiền nong cho gia đình em”, An chia sẻ.
Với Phát, quần áo đẹp nhất em có được chính là bộ đồng phục em mặc trong ngày tốt nghiệp cấp 1.
Học tập anh lớn, dù còn rất nhỏ, nhưng Phát đã biết thổi cơm, rửa bát, quét dọn nhà cửa. Những lúc rảnh rỗi, em lại cùng mẹ vào rừng hái măng. Dù sức khoẻ yếu ớt, phải thường xuyên nhập viện thăm khám, nhưng Phát vẫn luôn bắt kịp tiến độ của các bạn trong lớp. Thậm chí, em còn được thầy cô chọn vào đội tuyển và đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Tin học ở trường. Với cậu bé, giải thưởng đó chính là động lực và là bước đệm để Phát tiến gần hơn tới ước mơ thi đỗ ngành Công nghệ thông tin trong tương lai.
“Em rất thích học Tin học. Em sẽ cố gắng để sau này được học ngành Công nghệ thông tin. Em sẽ học thật giỏi để kiếm tiền xây nhà cho bố mẹ”, đôi mắt sáng lấp lánh, Phát hào hứng chia sẻ về ước mơ của mình.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Chị Hoàng Thị Diễm (SN 1986), ở thôn Làng Chẹo, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Số điện thoại chị Diễm: 0357.366.892
Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay.
Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 14824
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận