'xi-C' là tên giới kinh doanh gọi miếng vàng thương hiệu SJC thuộc độc quyền của Ngân hàng Nhà nước, không phải là Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - cũng viết tắt là SJC.
Có rất nhiều chuyện nhân tình thế thái liên quan đến vàng nhưng liên quan đến "xi-C", lời nguyền của "xi" còn kịch tính hơn nhiều.
Theo dõi thị trường vàng nhiều năm mới thấy dường như có một lời nguyền mang tên "xi-C". Muốn giàu phải bước qua "xi-C", muốn thoát khỏi thua lỗ cũng phải qua "xi-C" và khánh kiệt, tù tội cũng vì "xi-C". Ngay Ngân hàng Nhà nước cũng "đau đầu" vì "xi-C".
Nhưng "xi-C" cũng gắn với bao biến động, thăng trầm, gây khó chịu cho nền kinh tế và thay đổi số phận nhiều gia đình, làm doanh nghiệp phá sản, ngân hàng lao đao, doanh nhân tù tội. Những biến cố này thấy rõ trong gần 30 năm qua và nhất là khi ngân hàng huy động vàng cách nay 20 năm, lời nguyền của "xi-C" đã hiện nguyên hình.
Lời nguyền nhiều thập niên
Vàng miếng SJC ra đời từ những năm cuối thập niên 1980 đã đóng góp nhiều cho đời sống kinh tế. Người giám đốc đầu tiên cũng là một trong những người có công tạo ra miếng vàng SJC đã làm được một việc vô tiền khoáng hậu mà ít doanh nghiệp nào của Việt Nam làm được, đó là tạo ra thương hiệu vàng bốn số 9 SJC luôn có giá và được chuộng hơn cả vàng tiêu chuẩn thế giới, vàng Thụy Sĩ.
Vàng thỏi, vàng cốm... từ thế giới vào Việt Nam muốn bán được dưới dạng vàng miếng, đều phải nấu chảy và dập thành "xi-C". Các doanh nghiệp vàng tên tuổi khác, dù cũng có thương hiệu vàng miếng riêng nhưng chủ yếu vẫn kinh doanh "xi-C".
Một công ty vay gần 5.900 lượng vàng SJC, hơn chục năm không trả nổi
Giá vàng miếng SJC tại thị trường tự do rớt mạnh, người mua đi bán lại ‘nháo nhào’
Vàng "xi-C" là mơ ước của bao người, tài sản quý cất giữ. Nhưng qua thời gian có quá nhiều biến động, có lúc không sức mạnh nào qua được "xi-C" và có lẽ từ đó đã hình thành lời nguyền từ "xi-C", đôi lúc cũng cay độc không kém.
Lời nguyền của "xi-C" ghê gớm tới đâu? Không phải bây giờ vàng miếng SJC mới cao hơn thế giới. Từ hàng chục năm trước đã thế rồi. Ai có vàng, được gọi là vàng nguyên liệu, nguồn gốc ở đâu không cần biết (cất giữ hay nhập khẩu chính thức hay nguồn khác...), chỉ cần có hóa đơn là đều có thể đưa đến Công ty SJC dập ra vàng miếng với phí chỉ vài chục ngàn đồng/lượng.
Người có vàng dập ra được vàng miếng là lãi to vì luôn bán được cao hơn giá thế giới. Khi đó, năng lực dập của Công ty SJC có hạn, nên từ ngân hàng, doanh nghiệp đều xếp hàng để chờ được dập ra "xi-C". Nhiều người sốt ruột vì đã bỏ tiền ra mua vàng ký nhưng chưa ra "xi-C" nên lãi to chưa chảy vào túi.
Khi đó, Ngân hàng Nhà nước không cho nhập vàng để tiết kiệm ngoại tệ, nhưng không rõ vàng từ đâu vẫn lũ lượt xếp hàng dài để được dập ra "xi-C". Ra "xi-C" là trúng. Còn giữ vàng Thụy Sĩ, vàng thỏi, không chừng bị lỗ nếu giá thế giới giảm.
Huy động vàng, cái giá quá đắt
Nhưng lời nguyền của "xi-C" đã gây hậu họa kể từ khi Ngân hàng Nhà nước cho ngân hàng được huy động và cho vay vàng. Vàng của dân cất giữ đã được gửi vào ngân hàng. Ngân hàng có quá nhiều vàng, được bán đi 30% để lấy vốn VND cho vay.
Nhiều tấn vàng được bán ra thị trường, giá vàng rớt thê thảm, thấp hơn thế giới. Thế là vàng "xi-C" cũng bị nấu chảy bán qua biên giới. Nhưng sự kiện 11-9-2001 tấn công khủng bố nước Mỹ, giá vàng thế giới chỉ còn chiều đi lên, lúc này lời nguyền "xi-C" càn quét những ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân có vay mượn "xi-C".
Họ nhốn nháo tìm "xi-C" để trả nợ nhưng đều như bị "sét đánh hai lần". Một là vàng thế giới lù lù đi lên, thứ hai là ai cũng tìm mua "xi-C", không phải vài chục ngàn lượng mà là nhiều tấn để trả nợ càng khiến giá vàng tăng chóng mặt, có nguy cơ ảnh hưởng đến tỉ giá USD và cả nền kinh tế.
Có vàng rồi nhưng chưa là "xi-C" cũng không trả nợ được, vì "tôi cho anh vay "xi-C" phải trả bằng "xi-C", "xi-C" có giá hơn mà". Rồi những món nợ vàng 1 nở thành 5, rồi 10 qua thời gian thậm chí là 15, trả mãi không dứt, sao không phá sản!
Khi lời nguyền của "xi-C" lan đến ngân hàng huy động vàng, buộc Ngân hàng Nhà nước phải làm một việc chưa có tiền lệ. Ông Nguyễn Văn Bình khi ấy là thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thuyết phục UBND TP.HCM, cơ quan chủ quản của Công ty SJC giao thương hiệu vàng miếng SJC về cho Ngân hàng Nhà nước quản lý với nhiều mục đích.
Đầu tiên là giúp các ngân hàng dần có được "xi-C" - mà trước đó đã huy động và cho vay nhưng bị nấu chảy bán qua biên giới - trả cho dân. Kế tiếp là dừng vàng hóa vốn ngân hàng (chỉ còn VND và ngoại tệ) và lâu dài là giảm vàng hóa nền kinh tế.
Nhiều triệu USD được chi ra để nhập vàng về dập ra "xi-C" trả cho dân. Vậy mà cũng vài năm mới xóa hết "xi-C" khỏi vốn ngân hàng. Nhưng thua lỗ thì dai dẳng. Do bán "xi-C" giá thấp, mua lại trả giá cao, phần lớn người vay mượn vàng ở thời điểm này đều bị thua lỗ. Huy động vốn vàng, nhận vào "xi-C" trả ra bằng "xi-C", một cái giá quá đắt cho cả nền kinh tế và người liên quan.
Hóa giải lời nguyền "xi", bao giờ?
Sau đợt dọn dẹp khá tốn kém của Ngân hàng Nhà nước, vàng bị bỏ quên nhưng lời nguyền "xi-C" còn đó. Dù những khuôn dập "xi-C" được cất kỹ trong két niêm phong nhiều năm, ngay Công ty SJC cũng không được đụng vào, muốn mở niêm phong phải có ban bệ của Ngân hàng Nhà nước, nhưng rồi lời nguyền "xi-C" sau chục năm lại lên tiếng.
Giá vàng "xi-C" cao hơn thế giới hơn chục triệu đồng/lượng. Truyền thông liên tục đưa tin, giới kinh doanh vàng hưởng ứng, Ngân hàng Nhà nước phải bán "xi-C" để kéo giá xuống ngang gần giá thế giới dù chịu nhận ý kiến trái chiều và hiệu quả không như người quan tâm vàng mong muốn.
Có thể nói, lời nguyền của "xi-C" luôn làm khó công tác quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua. Thậm chí nơi này đã đi đến bước độc quyền, nhốt khuôn dập "xi" vào kho, không bán thêm "xi" ra thị trường nhiều năm để chống vàng hóa nhưng cũng không yên. Gần đây giá "xi-C" tăng vọt.
Giờ lấy ngoại tệ nhập vàng để có "xi-C", lỡ giá vàng trong nước thấp hơn thế giới, không khéo vàng lại chảy qua biên giới. Giảm nhập thì "xi-C" lại vọt lên, thành ra công cốc. Ngoại tệ là của toàn dân, phục vụ lợi ích cả nền kinh tế, góp phần ổn định lạm phát, sao lại đổ vào cho vàng?
Tiếp tục dập và bán thêm "xi-C" ra thị trường cũng là đi ngược lại chủ trương nhất quán của Chính phủ chống "vàng hóa" nền kinh tế. Cái vòng luẩn quẩn từ lời nguyền "xi-C" mãi đến nay vẫn chưa bước qua được.
Mới đây, qua các đợt thanh tra của Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp vàng lớn, lời nguyền của "xi-C" lại lên tiếng với các doanh nghiệp có sai phạm. Có lẽ từ đó các khuất tất sẽ được phơi ra ánh sáng và lời nguyền "xi-C" mới được hóa giải.
Chỉ sau khi hóa giải được lời nguyền "xi-C", những mắc mứu của hệ thống kinh doanh vàng, khung pháp lý cho thị trường vàng (nghị định 24) đang bị than phiền là quá chật chội mới được thay đổi. Chưa hóa giải lời nguyền "xi-C", nhiều tiệm vàng vẫn còn hoạt động kiểu "kinh tế ngầm" chắc chắn thị trường vàng còn phải chịu "chiếc áo" pháp lý chật chội. Nhưng thà chật còn hơn là mở ra để lời nguyền "xi-C" ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Trả lại thương hiệu SJC mà không cho nhập vàng lại rắc rối kiểu khác, khó thoát được lời nguyền "xi-C". Đó là lựa chọn của nhà quản lý. Dù biết rằng các doanh nghiệp ngành mỹ nghệ kim hoàn đang hoạt động vất vưởng vì thiếu vàng để chế tác. Số ít người còn quan tâm vàng than phiền sao để giá vàng bất hợp lý. Suy cho cùng, họ cũng là nạn nhận của lời nguyền "xi-C".
Khách hàng giao dịch vàng miếng tại một điểm bán vàng SJC (quận 3, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Huy động vốn vàng: sợ lắm vì khó bước qua "xi-C"
Gần đây, khi giá vàng SJC cao hơn giá thế giới, có khá nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế cho công tác quản lý thị trường vàng, huy động vốn vàng như mở sàn vàng, giao dịch vàng tài khoản... Đây là những việc mà trên thế giới đã và đang thực hiện.
Tại Việt Nam đã từng triển khai một phần những nghiệp vụ này nhưng đều... không thành công. Bởi sàn vàng hay vàng tài khoản, người ta vẫn quay ra "xi-C". Đã vàng tài khoản nhưng lấy ra phải bằng... "xi-C".
Với sàn vàng, hệ lụy của nó rất lớn, làm nhiều người phá sản, nhiều đại gia tên tuổi cũng đi xuống, vướng lao lý chỉ vì sàn vàng. Cơn lốc sàn vàng, khi đó được xem như những "chiếu bạc" đã quét sạch tài sản của nhiều người, áp lực lên tỉ giá, gây rủi ro cực kỳ lớn cho nền kinh tế, buộc Chính phủ phải ra lệnh đóng cửa sàn vàng vào cuối năm 2009.
Liền sau đó, Ngân hàng Nhà nước có quyết định chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, tập trung dọn dẹp và phải kết thúc từ tháng 5-2012 nhưng hệ lụy của nó nhiều năm sau vẫn chưa khắc phục hết.
Còn vàng tài khoản, liệu mấy ai chấp nhận mua vàng mà không cầm miếng vàng trên tay? Thật ra từ gần 30 năm trước, người lập ra thương hiệu vàng miếng SJC cũng đã học kinh nghiệm quốc tế và xây dựng phương án "vàng giấy" gửi Ngân hàng Nhà nước TP.HCM. Tức là người mua vàng SJC thay vì nhận miếng vàng để cất giữ, sẽ được công ty cấp cho một giấy chứng nhận sở hữu miếng vàng. Phương án này không được chấp thuận vì phát hành "vàng giấy" cũng là huy động vốn, chức năng chỉ ngân hàng mới có.
Nhiều năm qua và cho đến nay, người dân rất tin vào giấy chứng chỉ vàng hay tiền gửi do ngân hàng phát hành, nhưng "vàng giấy" do các công ty phát hành thì... chưa, đúng hơn là không. Vì người dân hiểu rằng cách quản lý ngân hàng chặt chẽ hơn nhiều so với các công ty, rủi ro lớn. Do vậy, nếu có làm vàng tài khoản, chỉ có ngân hàng phát hành nhưng Ngân hàng Nhà nước đã cấm từ lâu.
Vì vậy cho đến nay, với Ngân hàng Nhà nước huy động vốn vàng trong dân, cách tốt nhất là làm cho dân bớt mua vàng, bán vàng đã cất giữ lấy vốn làm ăn. Chủ trương đã rõ "chống vàng hóa nền kinh tế" và nay đã tương đối thành công. Xã hội không còn thanh toán bằng vàng liệu Ngân hàng Nhà nước có quay lại bán thêm vàng "xi", cho mở vàng tài khoản...!?
Đăng thảo luận