Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì?
(Dân trí) - Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Với ung thư cổ tử cung, bệnh nhân có thể được chỉ định xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật.
Phương pháp điều trị được xác định dựa trên loại ung thư, giai đoạn, tuổi bệnh nhân và sức khỏe tổng thể cũng như mong muốn sinh con. Các tế bào ung thư cũng được kiểm tra để xác định liệu một số phương pháp điều trị chẳng hạn như liệu pháp hormone có hiệu quả hay không.
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp hormone… Phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên đối với ung thư cổ tử cung.
Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Xạ trị là một trong nhiều biện pháp điều trị ung thư cổ tử cung (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy).
Bức xạ có thể được nhắm vào cổ tử cung từ một máy bên ngoài cơ thể (được gọi là xạ trị chiếu ngoài - xạ trị gia tốc). Hoặc một nguồn phóng xạ có thể được đưa vào âm đạo gần cổ tử cung (được gọi là xạ trị áp sát).
Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, nhưng đôi khi nó được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Đôi khi nó được sử dụng nếu bệnh nhân không thể phẫu thuật.
Một số tác dụng phụ của xạ trị có thể là mệt mỏi, cơ thể uể oải, không muốn vận động. Tuy nhiên, bệnh nhân nên thường xuyên vận động để nâng cao sức khỏe và hiệu quả điều trị.
Đối với phương pháp sử dụng bức xạ bên ngoài, bệnh nhân thường bị rụng tóc và khu vực chiếu xạ trên da trở nên đỏ, khô, ngứa. Bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc phần da xạ trị với ánh sáng mặt trời. Mặc quần áo rộng thoải mái đồng thời không tự ý sử dụng các loại thuốc hay hóa chất lên vùng da bị chiếu xạ. Bệnh nhân đã và đang xạ trị cũng có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy.
Theo thống kê Globocan năm 2018, mỗi năm ở nước ta phát hiện hơn 4.100 phụ nữ mắc mới ung thư cổ tử cung và 50% số người bệnh tử vong. Đa số bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư phát triển mạnh đã lan rộng, xâm lấn ra các vùng xung quanh, di căn vào hệ thống mạch máu và các cơ quan. Khi đó, bệnh nhân không chỉ được điều trị bằng một mà phải kết hợp nhiều phương pháp.
Đa số trường hợp ung thư cổ tử cung do virus HPV - loại virus gây u nhú ở người, lây truyền qua da và phổ biến nhất là qua đường tình dục. Trong hơn 100 chủng HPV thì có 14 chủng HPV gây trên 90% trường hợp ung thư cổ tử cung. Đặc biệt là type HPV 16 và HPV 18 gây nên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Các bác sĩ khuyến cáo ngay khi phát hiện ra máu, khí hư âm đạo bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám. Hàng năm, phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, thực hiện các xét nghiệm ung thư cổ tử cung như Thinprep Pap, HPV - DNA genotype… để tầm soát, phát hiện sớm và điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả ở giai đoạn đầu, tăng tỷ lệ sống.
Đăng thảo luận